Tưởng ăn chắc… ai ngờ mất trắng!
Những ngày cuối tháng Tư, cái nắng Tây Nguyên dần dịu nhẹ, PV báo Người Đưa Tin kịp thời có mặt tại cánh đồng lúa thuộc xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ngoài đồng gió thổi lồng lộng, trải dài khắp cánh đồng là cảnh bà con đang tất bật thu gom vụ mùa. Máy gặt vẫn chạy, bên cạnh là những con người lam lũ tay xách, nách mang bao bì, dây chạc nhưng đôi mắt đầy đăm chiêu.
Khom lưng thu gom những cọng lúa còn vương vãi trên thửa ruộng mới gặt, thấy PV hỏi chuyện, bà Đào Thị Minh (59 tuổi, ngụ thôn 2) ngước mắt nhìn lên, lắc đầu ngao ngán: “Nhà tôi trồng hơn 2 sào lúa nước nhưng có đến quá nửa ruộng mất trắng vì lúa không cho kết hạt”.
Cũng theo bà Minh, từ lúc xuống giống, mạ non cho tới khi lúa lên đòng, trổ bông... ruộng lúa của gia đình bà phát triển bình thường chứ không có biểu hiện gì bất thường. Nhưng tới giai đoạn đóng hạt, các bông lúa cứ lép kẹp, trơ ra rồi chết dần. Vụ năm nay coi như mất trắng.
Để tận mắt đánh giá thực tế, PV đến đám ruộng nơi chiếc máy gặt đang ùn ùn nhả khói. Ông Nguyễn Tấn Lực (50 tuổi, ngụ thôn 2) cho biết: “Đám ruộng của gia đình tôi có diện tích 2 sào, xem ra cũng chẳng khác gì so với các hộ khác. Trước khi gặt tôi đi xem đồng, nhiều lần lội xuống ruộng kiểm tra lúa lép, không có hạt đại trà nên rất thất vọng. Thế nhưng, vớt vát được bao nào hay bao ấy. Kết quả như thế nào thì các chú chờ lát ra bao xem sản lượng là biết ngay”.
Sau 30 phút, chiếc máy gặt đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Vỏn vẹn thành quả của ông Lực là 5 bao may kín miệng với trọng lượng hơn 200kg.
Ông Lực phân trần: “Không hiểu có bệnh dịch gì mà lúc vào mấy bông lúa cứ khô dần, bông lúa vươn cao trắng xóa, bây giờ 2/3 số bông đã khô trắng, hạt thì có nhưng không có nhân gạo. Nếu hơn 2 sào lúa này không bị bệnh như bây giờ thì mọi năm, vụ này nhà tôi thu được gần 20 bao lúa. Ai ngờ trời không thương giờ như thế này coi như mất trắng, bao nhiêu công sức, phân bón cũng trôi theo nước rồi”.
PV tiếp tục tìm đến cánh đồng lúa tại thôn Anh Dũng. Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Tới (Trưởng thôn Anh Dũng) cho biết thêm, trên địa bàn, theo thống kê ban đầu có đến 200 gia đình rơi vào cảnh mất mùa. Đa phần đều chung tình trạng nhiều ruộng lúa bị khô trắng hết, lúa hoàn toàn không có hạt khiến nhiều gia đình phải thuê nhân công để cắt lúa rồi gom lại đốt, dọn ruộng chuẩn bị niên vụ mới nhằm vớt vát vụ này. Theo ông Tới, dù may mắn không bị mất trắng như các hộ gia đình ở thôn Hòa Bình, nhưng tình trạng cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy.
Tại đây, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt buồn bã, tiếng thở dài ngao ngán của những người nông dân đang đứng trong ruộng lúa khô trắng như cỏ, lưa thưa vài bông. Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Tám (ngụ thôn Hòa Bình) bộc bạch: “Bỏ công, bỏ sức ra chăm bẵm cả mấy tháng trời giờ thành ra thế này, coi như mất trắng. Nhà nào có bò còn cắt đem về làm thức ăn cho chúng, như nhà tôi thì chỉ còn cách cắt bỏ rồi đem đốt chứ lúa có hạt đâu mà thuê máy gặt hả chú”.
Lúa trồng theo hướng dẫn... cũng cho hạt lép
Trong quá trình tìm hiểu thông tin, PV phát hiện, không chỉ ruộng lúa của các hộ gia đình trồng tự phát bị mất trắng mà cả giống lúa Bắc Thơm do huyện Sa Thầy cung cấp cho gần 20 hộ gia đình để gieo trồng thí điểm trên các chân ruộng đẹp nhất tại địa phương cũng gần như bị mất trắng.
“Nhà có 650m2 ruộng được gieo sạ bằng giống lúa Bắc Thơm của huyện hỗ trợ. Từ lúc gieo đến khi gặt, gia đình tôi tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật mà cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Từ lúc lúa còn non đến lúc lên đòng, trổ bông... không phát hiện thấy có biểu hiện gì bất thường. Lúc lúa trổ bông, hàng xóm ai cũng khen lấy khen để khi thấy ruộng lúa bông đều tăm tắp, bông dài, nhiều chẽ khiến tôi thấp thỏm mừng thầm vụ này trúng mùa. Ai ngờ, tới giai đoạn đóng hạt, bông lúa cứ lép kẹp, đứng trơ ra như trổ cờ. Toàn bộ diện tích ruộng này tôi chỉ thu được có 2 bao lúa. Mà lúa toàn hạt lép, chỉ có thể nghiền cho bò, heo ăn thôi chứ chẳng thể ăn được”, ông Đỗ Văn Hợi rầu rĩ.
Bà Tạ Thị Diệu, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho hay: “Vụ Đông Xuân năm nay, bà con nông dân xã Sa Nghĩa chủ yếu sử dụng giống lúa HT1 để gieo trồng, chỉ có 3,5ha sử dụng giống lúa Bắc Thơm do huyện hỗ trợ trồng thí điểm. Đến thời điểm này chúng tôi đã xác định được đây là hiện tượng lem lép hạt xanh và lem lép hạt trắng”.
Cũng theo bà Diệu, nguyên nhân là do thời điểm khi lúa đang đứng cái làm đòng gặp thời tiết bất thường, ngày nóng đêm lạnh, cây lúa không thích nghi kịp nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển. Cùng với đó, trong giai đoạn lúa trổ bông trên địa bàn xã Sa Nghĩa lại xảy ra nhiều trận mưa dông lớn khiến cây lúa không thể thụ phấn, phơi màu được. Không những vây, do các cánh đồng của xã Sa Nghĩa là vùng nằm ở cuối nguồn nước nên hằng năm thường bị hạn vào cuối vụ, đặc biệt, vụ Đông Xuân năm ngoái nhiều diện tích lúa gieo sạ muộn đã bị chết cháy.
Đánh giá thiệt hại nhằm hỗ trợ bà con Bà Tống Thị Nghĩa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết, theo đánh giá của phòng, trên địa bàn huyện có khoảng 6,2ha lúa bị giảm năng suất từ 80-90%, bên cạnh đó là hàng chục hecta bị giảm năng suất từ 40-60%. “Nguyên nhân chính ngoài việc gieo sạ sớm, một số diện tích khi trổ bông chịu ảnh hưởng của thời tiết. Một số diện tích sạ dày quá, khi trổ bông có hiện tượng bị bệnh đạo ôn làm năng suất giảm khoảng 5 tạ/ha so với năm 2016. Trước tình hình như vậy, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra thực tế, rà soát diện tích bị ảnh hưởng, đánh giá năng suất, diện tích bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ cho nhân dân, ổn định đời sống”, bà Nghĩa nói. |
Hồ Nam