Tận cùng nỗi đau
Bà là Bùi Thị Thu (81 tuổi), ngụ thôn 7, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có trai là Lê Ngọc Quý (còn gọi là Quý Mủng), 53 tuổi, bị chứng tâm thần đã lâu.
Hàng ngày, bất kể những lúc lên cơn hay không, anh đều chửi bới, đập phá và thậm chí là đòi hành hung ngay chính người mẹ của mình. Dùng tay quệt vội những giọt nước mắt chực lăn trào trên khuôn mặt già nua, khắc khổ, bà Thu chậm rãi kể lại quá khứ của đứa con trai.
Mỗi lúc có khách lạ vào, bà Thu mới “dám” đưa nước tận tay cho Quý Mủng uống
Trước đây, Quý Mủng cũng như bao người đàn ông khác nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, bố mất sớm cộng với nhiều trắc trở về đường tình duyên nên đến năm 1997, anh mới cưới được vợ. Có được hạnh phúc, với bản tính siêng năng, biết lo lắng và thương vợ, thương mẹ già nên anh làm việc quần quần cả ngày để nuôi sống gia đình.
Mặc dù không có của ăn của để nhưng đồng tiền công từ nghề phụ hồ của anh vẫn đủ nuôi 3 miệng ăn trong gia đình. Đầu năm 2002, tai họa bỗng ập xuống gia đình nghèo khó này, khi Quý Mủng từ một người khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh một cách khó hiểu. Anh chửi bới rồi lại cười nói huyên thuyên suốt ngày. Khi cơn điên nỗi lên, Quý Mủng đập phá đồ đạc trong nhà, đánh thương tích mẹ già, vợ con và người dân trong thôn xóm.
Thấy bệnh tình của Quý Mủng ngày càng nặng hơn, dù gia đình không có tiền bạc, bà Thu vẫn phải cố gắng chắt góp, chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con. Sau nhiều tháng điều trị khắp các bệnh viện từ Quảng Nam đến TP. Đà Nẵng nhưng kết cục bệnh tình của Quý Mủng vẫn không hề thuyên giảm.
Hết tiền, bà Thu đành đưa đứa con tội nghiệp của mình về nhà tự tay chăm sóc. Lúc này, người phụ nữ trẻ (vợ Quý) không chịu đựng được cảnh nghèo khổ, bệnh tật của chồng đã khăn gói, bế đứa con trai mới tròn 1 tuổi bỏ đi.
Thương con, nhưng mỗi lần lên cơn, Quý Mủng đập phá tan hoang nhà cửa và đánh nhiều người bị thương nên bà Thu đành nuốt nước mắt vào trong, lấy khóa giam anh vào một gian phòng nhỏ đặt gần chuồng bò trong suốt 8 năm qua.
Quý Mủng đã bị “giam” suốt 8 năm trong căn phòng này
Nỗi lòng người mẹ già
Gia đình bà Thu vốn đã nghèo lại càng khốn khổ hơn kể từ ngày Quý Mủng mắc bệnh. Thời gian đầu bà Thu vay mượn, làm mướn khắp nơi để kiếm tiền mua thuốc và lo 3 bữa cơm cho đứa con tội nghiệp của mình. Nhưng dần dần, tuổi cao, sức yếu không thể làm thêm nên hàng ngày bà đành gạt nước mắt chấp nhận cầm bát đi xin từng nắm gạo về lo cho con ăn. Những lúc mưa gió, bão bùng, nhà hết sạch gạo, bà Thu phải nhịn ăn nhưng chưa bao giờ Quý Mủng phải đói.
Nỗi đau của người mẹ già không chỉ dừng ở mặt tinh thần mà còn cả thể xác. Có lần Quý Mủng lên cơn điên dại, đập vỡ bát ăn, bỏ mảnh sứ vào miệng đòi nuốt, bà mẹ già đã phải “liều” mình mở khóa vào phòng rồi dùng tay lấy mảnh sứ từ miệng đầy máu của Quý ra. Và cũng trong lần này bà Thu đã bị đứa con bệnh tật của mình cắn đứt 1 ngón tay.
Giường ngủ của Quý Mủng cách nơi vệ sinh chỉ gang tấc
Năm 2005, vào một buổi trưa, bỗng nhiên Quý Mủng phá khóa “xổng” được ra ngoài rồi đánh gãy tay một người hàng xóm. Trong lúc giằng co buộc con quay lại “nơi ở”, bà Thu đã bị Quý xô ngả, gãy tay trái. Không dừng lại ở đó, từ trước đến nay, nhiều lần bà Thu “thò tay” đưa cơm qua cửa sổ cho Quý thì bị Quý “chụp” được bàn tay và thế là bà lại bị một trận đòn đau từ đứa con điên dại mà mình đứt ruột sinh ra. Nhìn cánh tay quà bà Thu chằng chịt những vết cấu xé ai cũng rưng rưng nước mắt.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vách dột nát, chống trước hụt sau, bà Thu nói: “Khổ lắm chú ạ! Nhưng biết làm sao được. Điều mà tôi lo nhất bây giờ không phải là mỗi lúc “cho ăn” bị nó chụp lấy tay rồi đánh mà sau này khi bà mất đi không biết ai lo cho nó. Bà già rồi... giá như bà sống được mãi”.
Cơn mưa nhỏ đầu thu càng làm cho không gian thêm buồn thảm và tĩnh lặng. Trong căn phòng nhỏ gần chuồng bò, Quý Mủng la hét inh ỏi rồi ngoảnh mặt ra ngoài nhìn người lạ ngơ ngác. Lúc ra về, bà Thu nắm chặt tay chúng tôi mà lay: "Mấy cháu có lòng tốt thì thương thằng Quý với. Bà muốn chữa bệnh cho nó lắm nhưng nhà nghèo khó quá không có tiền”. Rời nhà bà mẹ già có đứa con điên dại mà lòng chúng tôi ai nấy nặng trĩu.
Trên mảnh đất nghèo của xã Tam Hiệp 1, còn có một gia cảnh rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.
Kim Thoa - Thanh Anh