Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, rất nhiều người đã có phản ứng với “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội” do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội xây dựng ban hành và được chính thức áp dụng vào ngày 1/1/2017.
Theo đó, về trang phục, công chức, viên chức phải sử dụng trang phục công sở lịch sự (mặc áo có ống tay, cổ áo; mặc váy dài đến gối), đầu tóc gọn gàng, không xăm hình, vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp.
Về tác phong, tư thế, cử chỉ của công, viên chức phải nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp, ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, mạch lạc, không nói tục.
Khi ứng xử với người dân, công chức không được gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức...
Về cơ bản, Bộ quy tắc ứng xử mới này không có quá nhiều sự thay đổi so với những quy tắc ứng xử cũ nơi công sở. Duy chỉ có một điểm mới và cũng là điểm thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận nhất đó là các công chức, viên chức không được xăm mình và phải sử dụng nước hoa, mĩ phẩm phù hợp.
Đương nhiên, những người phản ứng mạnh mẽ nhất với quy tắc trên là những công chức, viên chức “trót” có hình xăm, những chị em công sở điệu đà và sau đó mới đến những độc giả có sở thích phản biện.
Có thể trên phương diện câu chữ thì một số điều khoản ở quy tắc ứng xử mới có hơi hướng bảo thủ và mang tính chất cá nhân cực đoan. Bởi chúng ta không thể đánh giá nhân cách cũng như hiệu quả làm việc của cá nhân thông qua những hình xăm, hương thơm trên người hay cách những cá nhân trang điểm.
Đọc những bình luận “mang tính chiến đấu” trên những trang báo, trang mạng có chia sẻ thông tin về Bộ quy tắc trên, tôi có thể nhận thấy đồng hành với sự bức xúc, bất bình luôn là những nỗi sợ ẩn hiện qua từng câu hỏi mở.
Nhiều công chức trót dại xăm mình lo lắng khi đối diện với “án” cắt giảm nhân sự chỉ bởi chút mực trên người. Chị em phụ nữ lo lắng khi đứng trước hai sự lựa chọn, một là “xấu” đi, hai là bị xử phạt vì trang điểm, xịt nước hoa “không phù hợp”.
Tuy nhiên, đó là nỗi “lo bò trắng răng”! Tôi có thể khẳng định, nếu sự sợ hãi đó của những công chức, viên chức mà thành hiện thực thì số lượng nhân sự bị xử phạt, bị cắt giảm phải chiếm đến 90% tổng số công chức, viên chức tại Hà Nội và hệ quả là tỉ lệ người thất nghiệp cũng tăng một cách chóng mặt.
Bởi những điều lệ trong Bộ quy tắc ứng xử chỉ mang tính khuyến cáo chứ không hề bắt buộc.
Vả lại, không phải đến bây giờ quy tắc về tác phong, tư thế, cử chỉ của công/viên chức mới được được ban hành và áp dụng mà nó đã có từ rất lâu rồi. Nhưng sự thật là đâu phải ai cũng giữ được sự chuẩn mực theo đúng quy tắc.
Những câu chuyện vừa xem phim, vừa ngậm kẹo mút hay sự chỏng lỏn, cáu gắt của nhiều “cán bộ” hành chính khi giao tiếp với dân không phải chuyện “hiếm”. Và đương nhiên, người ta coi việc đấy là bình thường đến mức trong “dân gian”, khái niệm “Hành chính” được hiểu một cách cay đắng và hài hước thành “Hành là chính”.
Đến những quy tắc đã “cũ mèm”, những lễ tiết tối thiểu nhất khi giao tiếp với người khác, nhiều công chức, viên chức còn chẳng thực hiện được mà vẫn “ung dung” tại chức của mình thì có gì mà lo lắng, mà căng thẳng với những quy tắc mới?
Thôi thì trước khi lựa chọn được loại nước hoa, cách trang điểm phù hợp, “kìm nén” được đam mê xăm mình, trước khi thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử mới, các công chức, viên chức hãy thực hiện cho đúng, cho đủ những quy tắc ứng xử cũ. Làm cho người dân hài lòng bởi tác phong và sự ân cần, nhẹ nhàng của mình thì những “điểm trừ” về ngoại hình đâu còn là vấn đề quan trọng.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả