Thiên tình sử ở mảnh đất chết
Ở trại phong Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chuyện tình của ông Hồ Văn Vòi (SN 1928) và bà Dương Thị Bảy (SN 1935) được mọi người xem là đẹp nhất. Chuyện tình đẹp là vì nó có một không hai trên mảnh đất chết này và đẹp vì cái tên quá đặc biệt của ông bà họ đến từ những miền quê khác nhau. Bà Bảy từng là một cô gái đến từ mảnh đất quan họ Bắc Ninh, còn ông Vòi là một chàng thanh niên bảnh trai đến từ vùng đất cảng Hải Phòng.
Chuyện tình của ông bà Vòi, Bảy minh chứng cho sức mạnh của tình yêu.
Ngày ấy, khi phát hiện mình mắc bệnh phong hủi, cả hai ông bà đều hoảng sợ, lo lắng, nhưng nỗi đau lớn hơn cả là sự xa lánh của người đời, những ánh mắt dò xét của hàng xóm, kể cả họ hàng. Tuổi thơ của ông Vòi là những chuỗi ngày cơ cực, cay đắng bởi sự khinh miệt, ánh mắt và lời nói ác độc từ những người bên ngoài cánh cửa trại phong. Ông kể lại rằng, không chỉ có người lớn mà cả những đứa trẻ học cùng cũng cô lập đám trẻ con trong trại. Thế nên ngoài thời gian đi học, những đứa trẻ cùng hoàn cảnh tụ lại với nhau trong trại để tránh những trò đùa ác của bọn trẻ con bên ngoài. Ngay cả trong những giấc mơ, ông cũng thấy tụi nó vây quanh cười nhạo ông và hét choáng lên: "Đồ con hủi". Lúc đó ông chỉ biết về nhà đóng cửa lại và nằm lì. Sau đó, ông được gia đình đưa vào trại phong Quả Cảm với mong muốn có cuộc sống mới và để tránh những ánh mắt kỳ thị của người đời.
Ông Vòi và bà Bảy được đưa vào trại phong Quả Cảm ở Bắc Ninh để điều trị và cách ly với thời gian khác nhau. "Ngày đầu tiên vô đó tôi chỉ biết ngồi khóc, không muốn gặp ai và làm gì. Tôi nghĩ đời mình vĩnh viễn sẽ phải sống với căn bệnh kinh khủng này, nơi mảnh đất xa lạ không người thân thích" bà Bảy nhớ lại. Rồi như có duyên trời năm 1955 hai ông bà gặp nhau ngay tại trại phong nhỏ bé này. Lúc đó cả hai đang ở độ tuổi rất trẻ, mới ngoài đôi mươi. Chính vì cùng cảnh ngộ, đồng cảm với nhau họ đến với nhau nên như một lẽ tự nhiên, hơn thế nữa họ đến với nhau bằng tình thương giữa người với người. "Lúc đầu chạm mặt nhau trong trại phong tôi cũng thấy ngại lắm vì biết mình mắc bệnh, khắp người lở loét thì làm gì dám gần ai", ông Vòi nhớ lại. Mặc dù ông vẫn có ý định tránh chuyện yêu một người con gái cùng làng phong, để rồi sau đó phải sinh con đẻ cái trên mảnh đất này. Nhưng cái duyên đã "vồ" đến để ông bà đến với nhau như một lẽ tự nhiên. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" nên chỉ sau hai tháng gặp nhau và tìm hiểu, ông bà đã quyết định đến với nhau danh chính ngôn thuận. "Ngày tôi viết thư về thông báo cho gia đình, lúc đầu bị mọi người phản đối kịch liệt. Nhưng sau gia đình hiểu chuyện và cũng muốn tôi có người thân chăm sóc nơi đất khách quê người nên họ đã đồng ý và cố gắng vun vén cho hai đứa tui", bà Bảy nói.
Cuối năm 1955, một đám cưới đặc biệt đã diễn ra ngay tại trại phong Quả Cảm (Quảng Ninh). Đám cưới lúc đó của ông bà không có gì to tát ngoài mấy đĩa bánh kẹo và những món đồ mà các bệnh nhân trong trại quyên góp lại. Ngày đặc biệt của ông bà có sự chứng kiến và chúc mừng của ban giám đốc bệnh viện và sự tham dự của các bệnh nhân trong trại.
Năm 1957 một bé trai kháu khỉnh đã ra đời trước sự vui mừng của ông bà và các bệnh nhân trong trại phong. "Lúc con cất tiếng khóc chào đời, tôi vui mừng khôn tả. Đó là ước mong từ lâu mà tôi không dám nghĩ tới, nhưng nó đã trở thành sự thật", ông Vòi nói. Đứa con ra đời là nguồn động viên lớn để ông bà chống chọi với căn bệnh thể xác đang từng ngày gặm nhấm họ. Không lâu sau ông Vòi đã khỏi hẳn bệnh và được về với gia đình tại quê nhà Hải Phòng.
Hạnh phúc là được sống cùng nhau
Trong dãy nhà nhỏ ở khu bệnh 2 của trại phong, ông bà được ban giám đốc ưu tiên bố trí cho ở cùng phòng. Tuy đã nhiều tuổi nhưng ông Vòi vẫn luôn yêu đời, hàng ngày ông thường trêu chọc bà Bảy bằng những câu hóm hỉnh như những đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau, "Cuộc sống là phải luôn yêu đời, tôi còn đi lại được chứ bà ấy chỉ ngồi một chỗ. Nhiều lúc nhìn vợ mà lòng tôi đau như cắt nên tự nhủ mình phải làm cái gì đó cho bà ấy vui" ông Vòi vừa nói vừa nhìn người vợ của mình.
Di chứng của bệnh phong, cùng với hậu quả của chiến tranh đã làm cho mắt bà Bảy không thể nhìn thấy rõ được. Đôi mắt đỏ hoe của bà khiến nhiều người e ngại khi tiếp xúc, nhưng ông Vòi vẫn luôn yêu quý người vợ của mình. Bàn tay của bà cụt ngủn, mất hết ngón vì bị những con hủi ăn mất. Mọi sinh hoạt hàng ngày bà không thể làm được. Đôi chân bà không còn lành lặn, phải bó chặt bằng những mảnh vải để che đi những phần thịt đã bị lở loét. Hàng ngày bà chỉ biết ngồi trong căn phòng nhỏ ở trại phong hoang vắng, xa cách với sự nhộn nhịp nơi phố xá. Nhưng trong thâm tâm của người đàn ông đó chưa bao giờ có ý định bỏ rơi bà. Tất cả những công việc đều có bàn tay của ông Vòi. Mặc dù mắt không còn thấy được nhưng như có một điều kỳ diệu khi ông làm gì là bà đều biết và nhiều khi còn ngồi một chỗ chỉ bảo cho ông biết.
Mỗi tháng với số tiền trợ cấp của bệnh viện và các tổ chức khác, ông bà mỗi người nhận được khoảng 500 nghìn đồng để trang trải. Số tiền ít ỏi nhưng ông bà vẫn luôn sống vui vẻ vì họ luôn có nhau và đặc biệt hơn cả là con cháu thỉnh thoảng vẫn bồng bế nhau bắt xe vào thăm ông bà. Bức ảnh cũ chụp gia đình đứa con duy nhất đang tay trong tay hạnh phúc với nhau được ông bà đặt nơi trang trọng nhất trong căn phòng nhỏ. Mỗi lúc buồn, hay nhớ con nhớ cháu là ông bà lại lấy xuống để ngắm và thầm cười mỉm. "Nhìn con cháu của mình như vậy là tôi vui rồi, chúng tôi giờ chỉ biết chăm sóc nhau để sống khỏe, để con cháu mừng là vui rồi. Đây là quê hương vĩnh viễn của mình rồi, con cháu nếu nó có muốn đón về chúng tôi cũng không nỡ ra đi". Lời tâm sự của ông bà như một lời tri ân đối với mảnh đất đã cho họ những tháng ngày hạnh phúc.
Sức mạnh của tình yêu Năm 1960 bà Bảy được chuyển vào bệnh viện trại phong Quỳnh Lập. Khoảng cách địa lý càng làm cho ông bà nhớ nhau hơn. Ông Vòi đã quyết định làm đơn xin vào ở cùng với người vợ của mình. Đến năm 2006, ông Vòi đã chính thức gia nhập làng phong mới cùng bà Bảy khi trên mình đã hoàn toàn khỏi bệnh. |
Kim Long