Cảm động câu chuyện cựu binh Trường Sa 44 năm tìm người thân

Cảm động câu chuyện cựu binh Trường Sa 44 năm tìm người thân

Thứ 6, 26/07/2013 14:39

Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, mẹ bị chết, cha bị bắt đi tù, bốn anh em tuổi từ 2 đến 10 phải dắt nhau đi lang thang xin từng miếng cơm ăn ở những vùng địch đóng... Trong khói lửa của bom đạn, người em út 2 tuổi đã bị thất lạc. Sau 44 năm bặt vô âm tín, người em út đã trở về trong niềm hạnh phúc khôn nguôi của gia đình.

Hai tuổi lạc vào tận tỉnh Đồng Nai

Người cựu binh Trường Sa, Trần Ngọc Châu, sinh ra trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam. Năm 1969 khi cậu bé Châu mới tròn 2 tuổi đã vắng đi bàn tay chăm sóc của người mẹ. Bà bị địch bắn chết khi tham gia cuộc biểu tình cùng nhân dân, khi quyết tâm thực hiện phương châm "một tấc không đi, một ly không rời", quyết "bám đất bám làng" ở xã Tam Lập, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Sau khi người mẹ ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù, cha đi tham gia Cách mạng, hàng ngày bốn anh em Châu chỉ biết ôm lấy nhau, nằm ẩn trốn ở dưới hầm sau nhà với số thức ăn của người cha chuẩn bị sẵn.

Xã hội - Cảm động câu chuyện cựu binh Trường Sa 44 năm tìm người thân

Ông Trần Ngọc Châu xúc động khi kể về những ngày đi tìm cha

Hàng đêm, nghe tiếng bom rơi của quân địch, những đứa trẻ vắng cha mất mẹ, sợ hãi gọi cha, nhưng vô vọng... Bởi người cha đã bị địch bắt đưa ra nhà tù ở Côn Đảo, mà anh em Châu không hề biết. Sau khi ở dưới hầm lên do đói và khát, thức ăn cha để lại đã hết, người anh lớn 10 tuổi bồng em út hai tuổi mặt mũi nhếch nhác cùng hai em 5, 7 tuổi lếch thếch đến những nơi quân địch đóng, xin từng miếng  cơm, hụm nước... cho qua ngày. Do đói khát nhiều ngày, lại ngủ trong những bụi cây rừng nên một người anh thứ đã ra đi mãi mãi vì căn  bệnh sốt rét.

Trong lúc bom đạn liên tục tàn phá những ngôi nhà của người dân, ba anh em Châu chỉ biết ẩn ở những bụi cây ven đường, cùng mấy đứa trẻ khác đói ăn trong làng đang gào khóc để tìm cha, tìm mẹ... Sau một đêm bom đạn của địch càn quét, sáng hôm sau, người em út 2 tuổi Trần Ngọc Châu bị thất lạc trong sự hỗn loạn của chiến tranh. Năm 1969, sau trận địch càn quét ở xã Tam Lập, huyện Phú Ninh, cậu bé Châu đã thất lạc vào tận tỉnh Đồng Nai. Năm 7 tuổi, Châu được người cha nuôi (ông Trần Huynh, ở xã Cẩm Kim, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam nhận về nuôi, cho đến ngày anh gặp lại gia đình, năm 2012 - PV).

Với giọng run run ông nhớ lại: "Đến năm 12 tuổi, tôi mới được cha nuôi cho biết, tôi chính là con nuôi trong gia đình... Năm 1973, cha nuôi vào Đồng Nai đã thấy tôi đang sống ở một gia đình, người cha tên là Tân. Nghe nói, gia đình này đã nuôi tôi từ vài năm trước, do một người phụ nữ nghèo gửi tôi, nhờ trông giúp một lát, nhưng rồi không quay lại đón. Cha nuôi đã xin tôi về khi tôi được 7 tuổi. Trên đường đi cha nuôi dặn: "Từ giờ trở đi con gọi bằng cha, chứ không kêu bằng chú nữa nghe...".

Ông Trần Huynh (75 tuổi) kể thêm: "Năm 1973, tôi vào Đồng Nai ở nhà người bà con, nghe câu chuyện về đứa bé bị thất lạc đang được một gia đình gần đó nuôi dưỡng, tôi ngỏ ý muốn xin cháu về nuôi, sau mấy ngày thuyết phục đã được gia đình họ đồng ý. Khi về đến Hội An, nhà tôi nhỏ, lại có ba đứa con, nên đã đưa Châu xuống ở cùng cha tôi ngay gần đó. Ban đầu, thằng bé chưa quen nên hay khóc vì nhớ cha mẹ nó ở Đồng Nai, nhưng một thời gian nó cũng quen và nô đùa với mấy đứa con của tôi cùng trang lứa. Do gia đình khó khăn nên anh em Châu đều phải nghỉ học giữa chừng". Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Trần Ngọc Châu đã xung phong lên đường nhập ngũ, và được phân công ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa, từ năm 1988-1990.

Xã hội - Cảm động câu chuyện cựu binh Trường Sa 44 năm tìm người thân (Hình 2).

Những người lính Trường Sa năm xưa đến chúc mừng gia đình ông Châu, sau khi tìm được cha

Gần 800.000 ngày đi tìm quê hương

Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và xúc động sau 44 năm

"Cuối năm 2012, khi tôi đang ở nhà hàng xóm chơi, đứa con trai chạy sang nói: Cha về có ông già ở Tam Kỳ (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - PV) muốn gặp cha... Mặc dù có linh tính, nhưng tôi nghĩ, nếu là cha tôi thì phải ở tỉnh Đồng Nai?. Khi về đến nhà chỉ nghe cha nói vài câu thì hai cha con đã ôm nhau khóc. Và lúc đó tôi mới biết mẹ đã mất khi tôi mới hai tuổi. Sau này cha kể là đã tìm tôi nhiều năm nay qua danh sách chứng nhận xin con nuôi ở các tỉnh, thành" - ông Trần Ngọc Châu chia sẻ.

Sau khi, hoàn thành nghĩa vụ ở đảo Trường Sa trở về đất liền được hai năm, Trần Ngọc Châu lập gia đình với cô gái xinh đẹp ở phố cổ Hội An và có một cậu con trai kháu khỉnh. Mặc dù, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn với tiền công ít ỏi từ công việc phụ hồ của hai vợ chồng, nhưng mỗi ngày anh Châu luôn suy nghĩ và mong muốn đi tìm lại cha mẹ mình. Nhưng tên cha, tên mẹ là gì, quê ở đâu anh cũng không biết, chỉ thầm nghĩ mình được xin về nuôi từ tỉnh Đồng Nai, thì chắc cha mẹ và quê hương mình ở trong đó. Rồi anh tâm sự với người vợ và quyết định dành dụm những đồng tiền công từ việc phụ hồ để trở về Đồng Nai tìm cha mẹ.

Anh Châu nói trong nước mắt với giọng nghẹn ngào về quá trình đi tìm cha mẹ: "Từ năm 1992, đến khi gặp được cha (năm 2012), năm nào tôi cũng vào tỉnh Đồng Nai tìm cha hai lần. Đi tìm và hỏi thăm từng con ngõ nhỏ, hỏi gia đình người cha nuôi trước đây của mình tên Tân nhưng nhận được cái lắc đầu không biết. Có những lần hết tiền, ngày đi làm phụ hồ kiếm tiền, tối ngủ trong rừng cao su để tiếp tục đi tìm cha. Vì tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có một ngày, có hai người đàn ông và phụ nữ chính là cha mẹ mình đến đón mình về...". Những tiếng nấc và những giọt nước mắt khẽ rơi trên khuôn mặt sạm nắng của người đàn ông đã gần 40 tuổi.

Sau nhiều năm ròng rã có mặt ở khắp ngõ ngách của tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn không tìm được gia đình. Thậm chí, năm 2008, khi nghe tin có chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", anh Trần Ngọc Châu lại lên đường vào TP. Hồ Chí Minh với mục đích để gia đình, người thân nhận ra mình. Anh Châu nhớ lại: "Tôi được Ban tổ chức chương trình cho một tờ giấy ghi tên cha mẹ mình, nhưng tôi cũng không biết tên cha mẹ mình là gì, cũng không nhớ được nhà mình ở đâu, như thế nào... Chương trình có nói đến trường hợp của tôi, nhưng cũng không thấy ai gọi điện. Mãi sau này tôi mới biết cha mẹ đặt tên là Nguyễn Dũng, nhưng khi về ở cha nuôi đặt lại tên tôi là Trần Ngọc Châu".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sâm, (54 tuổi, trú xã Tam Lập, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), người anh cả 10 tuổi bế em đi xin từng miếng cơm, ngụm nước năm 1969, nói trong nước mắt: "Hồi đó, cha tôi thì bị bắt, mẹ bị địch bắn chết, rồi đứa em trai bị sốt rét chết, gia đình tôi chẳng còn gì cả... Hàng ngày ba anh, em chạy xuống vùng địch đóng xin ăn, vì không còn nhận ra được nhà ông bà ở đâu nữa do bị cháy hết cả rồi... Lúc tìm được Dũng (Trần Ngọc Châu - PV) tôi không thể diễn tả được, một cảm xúc rất lớn, mặc dù thất lạc sau 44 năm từ khi Dũng mới 2 tuổi, nhưng tôi vẫn nhận ra. Bởi Dũng có ngón chân trỏ bên trái bị hỏng móng và ngay trên trán có cái xoáy...".    

Quang Huy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.