Nhìn đứa con 5 tháng tuổi bụ bẫm đang say giấc, chị Nguyễn Thu Phương (28 tuổi, Vĩnh Phúc) không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Bởi bé là trái ngọt sau 5 năm kiên trì chạy chữa của chị cùng mẹ chồng. Chị nói: “Nếu không có mẹ, chắc gì tôi đã có hạnh phúc ngày hôm nay”.
Chị Phương kể, chị lập gia đình năm 22 tuổi, cưới xong, vợ chồng chị được bố mẹ cho ra ở riêng, anh chị làm kinh doanh buôn bán nên thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị vẫn không có tin vui. Họ hàng, làng xóm tưởng anh chị kế hoạch nên ai cũng động viên, thúc giục, khiến chị buồn phiền và suy sụp nhiều hơn.
Không ít lần, chị giục chồng đi khám, nhưng anh cứ lần lữa và nói: “Bệnh tật gì mà khám, cứ thư thư. Nhiều cặp vợ chồng hơn 10 năm mới có con thì sao, mình mới có chừng đó đã ầm ĩ lên rồi”.
Khi đó, chị Phương chỉ biết nghẹn ngào. Chị nhớ lại: “Mấy ngày thấy tôi không đến chơi, mẹ chồng liền gọi điện bảo tôi sang có việc. Bà cũng thẳng thắn nói với tôi bà rất lo lắng vì chồng tôi là con trai trưởng nên nhất định cả hai phải đi khám. Bà cũng hứa sẽ khuyên nhủ chồng tôi, để anh cùng đến viện kiểm tra. Nhờ có mẹ chồng, mà chồng tôi mới gật đầu chấp nhận cùng vợ đến bệnh viện. Kết quả khám, bác sĩ kết luận tôi kinh nguyệt không đều, buồng trứng đa nang nên rất khó có con”.
Từ ngày nhận kết luận từ bác sĩ, chồng chị Phương bắt đầu có thái độ không tốt đối với vợ, mọi lỗi lầm anh đổ hết lên đầu chị. Có những lúc, căng thẳng lên đến đỉnh điểm, chị định ly hôn, nhưng mẹ chồng một mực ngăn cản. Bà nói: “Còn nước còn tát, vợ chồng là nghĩa trăm năm, sao có thể nói buông là buông được”.
Những lời động viên đúng lúc của mẹ chồng đã khiến chị Phương cảm động. Chị khóc khi nhớ lại những tháng ngày cơ cực đó: “Mẹ lên kế hoạch đưa tôi đi khắp các bệnh viện. Nhìn nỗ lực của bà mà nhiều lúc dù tuyệt vọng và mệt mỏi nhưng tôi thật sự không dám từ bỏ. Thậm chí, bà còn đến tận nhà mẹ đẻ tôi để nhờ tác động, giúp tôi có được một tinh thần thoải mái nhất. Mẹ bảo, việc của tôi là chỉ cần theo bà đi chữa bệnh, còn chuyện kinh tế, hay những lời bàn tán của thiên hạ cứ để bà lo”.
Mỗi lần đi viện, chị Phương cùng mẹ chồng phải dậy từ 3h sáng để kịp chuyến xe. Chi phí thực hiện IUI (thụ tinh nhân tạo) rất tốn kém nhưng mẹ chồng chị không hề kêu ca”.
Vất vả và tốn kém là vậy nhưng cả hai lần đi viện làm thụ tinh nhân tạo của chị Phương đều thất bại. Thấy con dâu buồn, mẹ chồng chị Phương không bao giờ nhắc đến chuyện con cái trước mặt, mà chỉ âm thầm bên cạnh động viên.
“Có lần, một người anh em họ xa mách thuốc của một bà lang chữa vô sinh hiếm muộn trên Sơn La, mẹ chồng tôi đã lặn lội tìm tới tận nơi. Bà sắc thuốc rất cẩn thận và bắt hai vợ chồng tôi uống.
Thuốc mẹ chồng chị lấy rất khó uống, chính vì thế mà nhiều lần chị Phương lẳng lặng đổ thuốc đi. Khi phát hiện ra, mẹ chồng chị chỉ bảo: “Thuốc đắng dã tật con ạ”, vậy là chị lại tiếp tục uống từng bát thuốc mà mẹ chồng tận tay sắc. Không chỉ lấy thuốc, chị Phương còn được mẹ chồng chăm sóc bồi bổ, bà dành những gì tốt nhất cho con dâu mình.
“Trời không phụ lòng người, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng gia đình tôi vỡ òa hạnh phúc khi bác sĩ thông báo tôi có thai được hơn 1 tháng. Rồi những chuỗi ngày sau đó lại là sự tận tụy chăm lo của mẹ chồng, bà lo cho tôi từng miếng ăn.
Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên tôi đã sinh non, con phải nằm lồng kính. Nhìn mẹ chồng ngược xuôi chăm con, chăm cháu mà tôi không kìm được nước mắt. Nhờ có mẹ mà hiện tại mẹ con tôi đã khỏe mạnh được về nhà, chị Phương xúc động.
Mai Thu