Cảm động người cựu chiến binh miệt mài xây hàng trăm ngôi mộ cho người dưng

Cảm động người cựu chiến binh miệt mài xây hàng trăm ngôi mộ cho người dưng

Hà Thị Hằng

Hà Thị Hằng

Thứ 2, 22/01/2018 16:35

Con trai gửi tiền về để tu sửa căn nhà cũ, ông bàn với vợ lấy số tiền đó để bốc những ngôi mộ vô chủ nằm ở cánh đồng lạnh lẽo về nghĩa trang địa phương. Nghĩa cử cao đẹp của ông khiến cho nhiều người cảm thấy nể phục.

Bỏ tiền sửa nhà đi xây mộ

Người cựu chiến binh chúng tôi muốn nhắc đến là ông Trần Xuân Nghiêm (SN 1956) trú làng Thượng Lộc, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ý tưởng “gom” mộ vô chủ để cải táng và chôn cất được ông Nghiêm thực hiện vào đầu năm 2013. Thấm thoát, 5 năm trôi qua, con số ngôi mộ vô chủ được “mồ yên mả đẹp” trong khuôn viên nghĩa trang xã Thượng Lộc đã lên đến hàng trăm. Khu mộ vô chủ được ông gom về xây dựng phía bên trái nghĩa trang địa phương.

Xã hội - Cảm động người cựu chiến binh miệt mài xây hàng trăm ngôi mộ cho người dưng

Ông Nghiêm nói về hành trình đi gom mộ người dưng.

Được biết, ông Nghiêm sinh ra trong một gia đình nghèo có 15 anh chị em ở làng Thượng Lộc, huyện Nghi Lộc. Cũng giống như bao chàng trai khác, 18 tuổi ông Nghiêm xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được phân công về Tiểu đoàn 4, bộ Tư lệnh thông tin. Năm 1981, ông xuất ngũ trở về quê hương. Trở về quê nhà, ông lấy vợ rồi được xã cấp ở khu vực bãi hoang làm nhà ở. Khi đó, nhiều người dân cũng được cấp đất ở khu vực này.

Theo lời ông Nghiêm, khu vực nhà ông đang ở trước đây là cánh đồng hoang. Tuy không phải là nghĩa địa nhưng ở đây là nơi để cho người ta chôn người chết. Khi mới đến đây, nhiều người cảm thấy ái ngại và lo sợ bởi dưới nền đất có rất nhiều ngôi mộ vô chủ. “Thời đó, xây dựng nhà trên mảnh đất này, rất nhiều người lo lắng. Dưới nền nhà có rất nhiều ngôi mộ. Họ phải chấp nhận sống chung với mồ mả. Ở cánh đồng gần đó, mồ mả nhiều lắm. Nhìn thấy những ngôi mộ không có người thân chăm sóc, bơ vơ lạnh lẽo giữa đồng nên tôi nảy sinh ý định sẽ gom những ngôi mộ đó về một nơi để tiện bề chăm sóc, hương khói. Để cho những người đã khuất bớt hiu quạnh. Nghĩa tử là nghĩa tận, họ không có người thân chăm sóc đã là thiệt thòi lớn rồi”, ông Nghiêm cho biết.

Thực ra, ý tưởng gom các ngôi mộ về một nơi ông Nghiêm đã ấp ủ từ lâu. Thế nhưng, do điều kiện kinh tế khó khăn, 4 đứa con đang tuổi ăn học nên ông không có kinh phí để làm. Năm 2013, người con đầu của ông đi XKLĐ có gửi về 50 triệu để sửa sang lại ngôi nhà dột nát. Tuy nhiên, ông lại bàn với vợ của mình là bà Phạm Thị Dương (SN 1958) quy tập mộ cho người dưng. Vợ của ông cũng là người phụ nữ chất phác, đôn hậu. Bà không có ý kiến hay cản trở công việc chồng đang làm. Thậm chí, bà còn giúp đỡ ông một cách nhiệt tình. “Khi nói về vấn đề dành 50 triệu đồng để xây nghĩa trang cho những ngôi mộ vô chủ tôi sợ bà ấy không đồng ý. Ngược lại, vợ tôi còn ủng hộ nhiệt tình. Tôi nghĩ căn nhà dột nát vẫn ở được, thương cho những ngôi mộ vô chủ không có người chăm sóc, trâu bò giẫm đạp. Nhìn xót xa lắm”, ông Nghiêm chia sẻ.

Xã hội - Cảm động người cựu chiến binh miệt mài xây hàng trăm ngôi mộ cho người dưng (Hình 2).

Mỗi năm lễ, Tết ông Nghiêm đến thắp hương ở khu mộ không tên. 

Khi được vợ ủng hộ nhiệt tình, ông Nghiêm lại đi thuyết phục những người dân ở làng Thượng Lộc cùng góp công ủng hộ mình. Thấy việc làm của ông Nghiêm ý nghĩa, nhiều người đã ủng hộ nhiệt tình. Ông đề xuất với lãnh đạo địa phương, cho quy tập những ngôi mộ vô chủ về trên nghĩa trang của xã. Thấy được tấm lòng của ông Nghiêm, chính quyền địa phương đã phê duyệt.

Nhận được sự ủng hộ của mọi người, ông Nghiêm bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Ông mua gạch đá, xi măng, tiểu sành về để xây mộ. Theo ông chi phí cho mỗi ngôi mộ là 1 triệu đồng. “Rất may, ý tưởng của tôi được nhiều người trong làng ủng hộ. Thực ra, thời điểm đó, nhiều gia đình trong làng còn đói khổ. Họ chỉ góp công thay của mà thôi. Một số nhà khá giả hơn thì góp một ít tiền. Điều đó cũng khiến tôi ấm lòng lắm rồi. Người dân trong làng chia thành từng tốp đi ra đồng cất mộ”, ông Nghiêm vui mừng nói.

Khi xây được 50 ngôi mộ thì cũng là lúc hết tiền. Không còn cách nào, người đàn ông này tiếp tục gọi điện sang cho con trai để xin thêm ít tiền bởi số ngôi mộ trên cánh đồng còn rất nhiều. Con trai của ông là Trần Xuân Mạnh hiểu được tấm lòng thiện nguyện của cha nên đã kêu gọi bạn bè của mình ở bên nước ngoài ủng hộ. Thời điểm đó, anh Mạnh kêu gọi được gần 100 triệu đồng. Với số tiền con kêu gọi được, ông lại tiếp tục hành trình của mình.

Cảm thấy hạnh phúc

Nhiều người đã bỏ công cả tuần trời để cùng ông Nghiêm đưa những ngôi mộ vô chủ ở những nơi đầm lầy về nghĩa trang của xã. Thấy được nghĩa cử cao đẹp của ông Nghiêm, nhiều thanh niên trong làng cũng tích cực tham gia. Rồi ông Nghiêm bàn với anh trai là Trần Xuân Tiềm và người em họ Trần Xuân Liêm cùng giúp sức cho mình. Ba anh em ông Nghiêm cùng nhau góp tiền và vận động thêm con cháu cùng ủng hộ. Tính đến hiện tại, khu mộ không tên lên đến gần 400 ngôi.

Sau cuộc nói chuyện, ông Nghiêm dẫn chúng tôi ra khu mộ không tên. Khu mộ nhỏ này nằm ở phía bên trái của khu nghĩa trang xã Nghi Vạn. Những ngôi mộ nhỏ nhắn, không tên, được xây cất rất gọn gàng, ngang hàng thẳng lối. Hơn ½ số mộ trên đã được ốp gạch men, còn lại số kia được sơn một lớp sơn màu vàng gạch. Giữa khu mộ có một ngôi mộ lớn, đó là nơi thờ cúng chung, hai bên có 2 lọ hoa rất đẹp. Mỗi nấm mộ, ông Nghiêm đặt một cốc nến lên. Một số ngôi mộ mới làm sau chưa được sơn. “Do mấy ngôi mộ này bốc sau nên chưa sơn được. Đợi quy tập được thêm vài chục ngôi mộ rồi ốp lên cho nó có quy cũ luôn. Ở phía cánh đồng làng còn rất nhiều ngôi mộ chưa được quy tập. Để có được nghĩa trang này đó là công sức, mồ hôi của bà con trong làng Thượng Lộc. Người góp ít tiền, người góp công nên khu mộ được xây dựng rất nhanh”, ông Nghiêm nói.

Sau khi đã lo xong xuôi “nhà ở” cho hàng trăm người dưng, năm 2014, ông Nghiêm mới quay sang lo cho việc nhà mình. Vợ chồng ông bà đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang. Theo quan niệm của ông Nghiêm, chết không phải là hết mà đó là quy luật tự nhiên. Nếu làm cho người chết được toại nguyện, linh hồn được siêu thoát thì họ sẽ quay về phù hộ cho gia đình mình. “Mình có nhà rồi, dù là dột nát, ẩm thấp nhưng còn hơn những người vô danh kia đang phải nằm đất lạnh lẻo. Từ khi làm được những “ngôi nhà” cho họ, vợ chồng tôi thấy lòng nhẹ nhõm và thoải mái vô cùng. Khi khu nghĩa trang được hoàn thành, những ngôi mộ hoang nằm rải rác khắp nơi trên cánh đồng được đưa về nơi cao ráo, dù không biết họ là ai nhưng vợ chồng tôi thấy vui và ngủ ngon giấc”, bà Dương, vợ ông Nghiêm chia sẻ.

Mỗi năm, gần đến Tết, ông Nghiêm lại ra khu mộ dọn dẹp, mua lễ thắp hương cho những người vô danh. Người dân trong làng Thượng Lộc cũng ra khu mộ thắp hương để cho những nấm mồ nằm dưới đất được ấm lòng. Nhiều người cho rằng, vì vợ chồng ông Nghiêm làm việc có đức nên được họ phù hộ cho con cái “ăn nên làm ra”. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Nghi Vạn cho biết: “Ông Nghiêm đang giữ chức vụ Chi hội trưởng, hội Cựu chiến binh của xóm 4. Việc quy tập nhiều ngôi mộ vô chủ trên cánh đồng về khu nghĩa trang là nghĩa cử cao đẹp. Khi con trai gửi tiền về tu sửa nhà cửa, ông lại lấy số tiền đó đi xây nhà cho người dưng. Ông ấy đã làm việc mà ít ai có thể làm được”.  
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.