Bộ LĐ,TB & XH đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Saudi Arabia giúp việc gia đình.
Trong đó, điểm đáng chú ý của dự thảo là nghiêm cấm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí. Nghề massage đứng đầu danh sách các công việc bị cấm.
Ngay sau khi dự thảo đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người cho rằng, quy định cấm đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage là không hợp lý. Trong khi nghề này ở Việt Nam vẫn được hoạt động thì tại sao lại cấm đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage?
Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh) để có những góc nhìn đa chiều.
Theo đó, ông Sáu nêu quan điểm: “Tại sao lại nói đi xuất khẩu lao động làm nghề massage ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục? Tôi nghĩ rằng, các quốc gia phát triển hoặc đang phát triển, họ có nhu cầu chăm sóc cho sức khỏe, phục vụ cuộc sống hiệu quả hơn, tốt lên, trong đó nhu cầu về bấm huyệt, massage cũng lớn.
Ngay cả ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh xông hơi, massage… cũng vẫn được công nhận, đó là những hoạt động kinh doanh có điều kiện chứ không phải bị cấm. Nếu xét dưới góc độ khoa học thì xông hơi, massage cũng rất tốt cho sức khỏe của nhiều người.
Chúng ta hãy nhìn nhận đó là một nghề theo đúng nghĩa của nó. Nếu ở Việt Nam, nghề massage vẫn hoạt động được thì tại sao lại cấm đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí? Tôi nghĩ, chúng ta không nên có những quy định cứng nhắc quá”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu phân tích thêm: “Theo tôi, nếu các nước có nhu cầu về lao động thì chúng ta cũng nên tận dụng, phát huy các cơ hội đó. Lực lượng lao động của Việt Nam đang dư thừa, nếu chúng ta xuất khẩu lao động sang nước ngoài mà không vi phạm các quy định của pháp luật, không độc hại thì không nên đặt vấn đề quá nặng nề, cứng nhắc như cấm xuất khẩu lao động đi nước ngoài làm nghề massage.
Tại sao lại nói là ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục? Tôi nghĩ nếu hoạt động massage theo đúng quy định thì nó là vấn đề lành mạnh, là nhu cầu trong cuộc sống của nhiều người. Tóm lại, mình nên hòa nhập vào môi trường lành mạnh, lại vừa giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Giả sử một số ngành nghề khác mà nước ngoài không có nhu cầu thì dù mình muốn cũng không xuất khẩu lao động được”.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh: “Câu chuyện lợi dụng việc đi xuất khẩu lao động để làm những điều sai phạm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm và vấn đề này phải được quán triệt ngay từ đầu.
Có những người lúc đầu đi xuất khẩu thì hoạt động lao động lành mạnh, đúng quy định của nước sở tại, nhưng sau đó lại tự ý bỏ cam kết ban đầu, vi phạm vào quy định mà Việt Nam ký kết với nước ngoài, ví dụ như việc bỏ trốn ra làm riêng.
Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam vào nước đó. Cho nên ngay từ đầu, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải quán triệt chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, có cơ chế giám sát, quản lý các cá nhân có ý định đi xuất khẩu lao động để thực hiện ý đồ riêng… nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tình hình chung”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Cá nhân tôi nghĩ, có thể theo quan điểm của những người xây dựng dự thảo Nghị định đưa ra là, khi người Việt Nam đi ra nước ngoài thì luôn mong muốn giữ hình ảnh của người Việt Nam đẹp nhất, tốt nhất.
Nếu làm nghề massage theo đúng nghĩa thì không có gì là xấu, nhưng có thể những người xây dựng, soạn thảo Nghị định cho rằng, ngành nghề này dễ bị biến tướng làm những điều trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam nên đưa ra quy định cấm xuất khẩu lao động đi nước ngoài làm nghề massage. Có thể họ cho rằng, nếu xuất khẩu lao động làm nghề massage thì sẽ dễ bị lợi dụng để trá hình, nguy cơ lớn xảy ra những hệ lụy không tốt…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề này cần phải bàn luận kỹ, thậm chí là tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Nếu như Việt Nam cho phép xuất khẩu lao động ở những ngành nghề như massage thì cần có chế tài chặt chẽ.
Ở một góc độ khác, nếu chúng ta tạo điều kiện cho công dân đi xuất khẩu lao động làm việc tốt, có lương cao và gửi ngoại tệ về xây dựng đất nước thì tốt quá!”.