Vào thứ Ba ngày 2/11, trong Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 13/11 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết bảo vệ các khu rừng trên Trái đất, cắt giảm lượng khí metan và giúp Nam Phi loại bỏ dần việc sử dụng than. Đây là một phần trong hàng loạt các thỏa thuận của Hội nghị nhằm kiểm soát sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris 2015.
Cam kết chấm dứt nạn phá rừng
Đại diện nước Anh đã ca ngợi cam kết của hơn 100 quốc gia chấm dứt nạn phá rừng trong thập kỷ tới là thành tựu lớn đầu tiên của COP 26. Thủ tướng Johnson cho biết trong một cuộc họp báo rằng điều quan trọng là phải "đề phòng hy vọng sai lầm", nhưng ông "lạc quan một cách thận trọng" về kết quả của các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Anh Johnson đã đưa ra thông điệp cho các nhà đàm phán trên toàn cầu, những người sẽ tiếp tục tham gia thảo luận trong 10 ngày tới để thực hiện hóa những cam kết khí hậu: “Nhiều người trên thế giới đang hướng về bạn”. Nước Anh cho biết đã nhận được cam kết từ các nhà lãnh đạo đại diện cho hơn 85% diện tích rừng trên thế giới về việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng đến năm 2030. Trong số đó bao gồm một số quốc gia có diện tích rừng lớn như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Congo, Indonesia, Nga và Mỹ. Hơn 19 tỷ USD từ cả các nguồn quỹ công và tư đã được cam kết để thực hiện kế hoạch.
Các chuyên gia và giới quan sát cho biết việc thực hiện cam kết đẩy lùi nạn phá rừng là bước đi quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng những lời hứa như vậy đã được đưa ra trước đó mà hầu như không phát huy tác dụng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trên Twitter: “Ký kết tuyên bố là một việc dễ dàng. Điều cần thiết là cam kết phải được thực hiện ngay bây giờ cho nhân loại và hành tinh".
Theo Alison Hoare, một thành viên nghiên cứu tại Tổ chức Chatham House, các nhà lãnh đạo thế giới đã từng cam kết vào năm 2014 rằng chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, “nhưng kể từ đó nạn phá rừng vẫn gia tăng trên nhiều quốc gia”.
Những khu rừng nhiệt đới là "lá phổi xanh" của thế giới, là nơi hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển. Nhưng việc khai thác gỗ để phục vụ như một loại hàng hóa và nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bất hợp pháp diễn ra thường xuyên trên diện rộng, đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển. Người bản địa tại địa phương đó là đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Theo Joseph Itongwa Mukumo, nhà hoạt động môi trường từ nước Congo, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi những người bản địa được đề cập trong thỏa thuận về rừng”. Ông kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp công nhận vai trò hiệu quả của các cộng đồng bản địa trong việc ngăn chặn nạn phá rừng.
Theo Chief Ninawa, một lãnh đạo người Huni Kui từ khu vực Amazon tham dự hội nghị, cho biết: “Số tiền đầu tư hàng tỷ USD cho việc bảo tồn môi trường rất khó để tiếp cận đến với các cộng đồng người bản địa”.
Theo bà Luciana Tellez Chavez, một nhà nghiên cứu môi trường tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định “có khá nhiều yếu tố tích cực” từ COP 26. Bà cho biết một trong số những yếu tố tích cực đó là Trung Quốc và Brazil đã cam kết bảo vệ rừng.
Cam kết giảm metan và hỗ trợ Nam Phi loại dần sử dụng than đá
Ngày 2/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra kế hoạch giảm phát thải khí metan, một loại khí nhà kính là nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu. Kiểm soát khi metan rò rỉ từ các giếng dầu và đường ống dẫn là trọng tâm của kế hoạch Tổng thống Joe Biden nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức đã công bố kế hoạch cung cấp các khoản vay và tài trợ với tổng trị giá lên tới 8,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ Nam Phi loại bỏ dần than đá. Hiện nay, Nam Phi đang sử dụng khoảng 90% điện năng từ các nhà máy nhiệt điện than - một nguồn phát thải khí nhà kính lớn.
Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường cho rằng những nước phát thải carbon lớn nhất thế giới cần phải hành động nhiều hơn thế. Bởi dựa trên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới, các dự báo của Liên hợp quốc cho rằng Trái Đất vẫn sẽ có thể nóng lên khoảng 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kì tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cho biết, sự nóng của Trái Đất trong những thập kỷ tới sẽ làm tan chảy lượng băng lớn trên hành tinh, khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao, làm tăng đáng kể mức độ thường xuyên và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC, AP)