Mới đây, trong cuộc họp thường niên lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 21/9, các vị lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra những cam kết quan trọng về khí hậu.
Cam kết từ phía Trung Quốc
Trong bài phát biểu qua video được phát trước Đại hội đồng LHQ vào thứ Ba 21/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ không xây dựng thêm dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Lời cam kết đánh dấu sự thúc đẩy chính sách quan trọng theo Sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, vốn đã bắt đầu rút ra các dự án về than đá. Chủ tịch Tập cho biết thêm, nước này sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng xanh và carbon thấp ở các nước đang phát triển khác.
Trung Quốc từng đầu tư rất nhiều vào các dự án than ở nước ngoài trong quá khứ. Một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Ember cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ nhiều than hơn tất cả các nước khác trên thế giới vào năm 2020. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, than chiếm đến 58% nhu cầu năng lượng của đất nước này năm ngoái.
Bắc Kinh đã nhiều lần cam kết "phấn đấu" đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030, và giảm dần về mức trung hòa carbon vào năm 2060, mục tiêu khử carbon năm 2060. Tuy vậy, kế hoạch của Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ và Liên minh châu Âu một thập kỷ.
Cam kết từ phía Mỹ
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden cũng đã tuyên bố ông sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Được biết vào tháng 4/2021, Tổng thống Biden từng cam kết Mỹ tăng đóng góp cho tài trợ khí hậu toàn cầu lên tới 5,7 tỷ USD mỗi năm, nhưng theo phát biểu mới đây thì con số đã tăng gần đôi là hơn 11 tỷ USD mỗi năm.
"Vào tháng 4, tôi đã thông báo Mỹ tăng gấp đôi nguồn tài chính quốc tế để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Hôm nay, tôi tự hào thông báo rằng chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội để tăng gấp đôi con số đó một lần nữa", Tổng thống Joe Biden tuyên bố.
Mỹ từng bị chỉ trích vì không đóng góp bất kỳ khoản tài chính khí hậu nào dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Ông Trump đã ngừng các cam kết tài trợ khí hậu toàn cầu khi ông rút khỏi Thỏa thuận Paris. Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ mới chi trả 1 tỷ USD trong cam kết 3 tỷ USD đưa ra vào năm 2014.
Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu tại cuộc họp: “Tôi cảm thấy được khích lệ bởi những thông báo quan trọng được đưa ra tại Đại hội đồng hôm nay bởi các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên quan đến cam kết hành động đối phó với biến đổi khí hậu”.
"Tôi hoan nghênh cam kết của Tổng thống Biden rằng Mỹ sẽ tăng đáng kể quy mô tài chính khí hậu quốc tế lên khoảng 11,4 tỷ USD mỗi năm. Sự gia tăng đóng góp của Mỹ sẽ đưa các nước phát triển tiến gần hơn đến việc đạt được cam kết chung là huy động 100 tỷ USD trong lĩnh vực tài chính khí hậu".
"Tôi cũng hoan nghênh thông báo của Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc sẽ chuyển hướng tài trợ sang lĩnh vực năng lượng xanh và carbon thấp thay vì tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Thúc đẩy nhanh quá trình loại bỏ than toàn cầu là bước quan trọng để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vị 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris”.
Trong cuộc họp, Tổng thư ký António Guterres đã kêu gọi các quốc gia chấm dứt tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch và ngừng sử dụng than, tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, thực hiện đánh thuế carbon và thuế ô nhiễm "thay vì thuế thu nhập của người dân".
Phạm Thu Thanh (theo CNN, The New York Times)