Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho đổ 439.000m3 bùn, cát từ việc nạo vét cảng Quy Nhơn xuống biển. Vị trí dự kiến đổ bùn, cát xuống biển theo Cục là ngoài phao số 0, theo quy định tối thiểu 2,5km tính từ bờ biển trở ra.
Trước đó, dư luận cũng từng xôn xao về việc công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận).
Thường thì quyết định “đánh bùn ra biển” sẽ gợi lên những suy nghĩ không mấy lạc quan, khiến người ta nghi ngại về nguy cơ biển cả trở thành bãi rác khổng lồ. Ngây ngất trước vẻ đẹp hoang sơ của nhiều vùng biển trong nước, bản thân tôi cũng từng rất lo lắng về tác động môi trường của phương án nhận chìm. Tuy nhiên sau khi được một người bạn làm khoa học “mở mang tầm nhìn”, tôi không còn quan tâm đến địa điểm đổ bùn nữa.
Thực tế là việc đổ bùn nạo vét ở cửa biển, cửa sông xuống biển (tại các bãi đổ có cấp phép) được các nước tiên tiến trên thế giới tiến hành thường xuyên. Hơn nữa, mục đích chính của các dự án nạo vét là khơi thông luồng chảy, giúp các tàu lớn vào cảng dễ dàng hơn chứ không phải tống tiễn lượng bùn ô nhiễm ra biển.
Nhưng nên nhớ rằng, đại bộ phận người dân không phải “giáo sư biết tuốt”, càng không thẩm định được độ sạch của bùn. Do đó, muốn đề xuất “đánh bùn ra biển” sớm được triển khai, các đơn vị chỉ cần cam kết bùn, cát nạo vét không phải là chất thải, không gây hại cho biển và đảm bảo sẽ chịu trách nhiệm khôi phục lại hiện trạng nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Và khi đã cam kết với dân rồi thì các vị đổ đâu chẳng được!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả