Cấm lao động sang nước ngoài làm nghề massage: Chuyên gia chỉ ra điều vô lý

Cấm lao động sang nước ngoài làm nghề massage: Chuyên gia chỉ ra điều vô lý

Nguyễn Thị Thanh Mai

Nguyễn Thị Thanh Mai

Thứ 5, 20/12/2018 07:00

Liên quan đến dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia văn hóa, xã hội cho rằng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage không hề xấu mà là do ta đã hiểu sai...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong dự thảo này quy định rõ 8 danh mục công việc cấm người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, trong đó, ngành nghề massage là một trong những nghề bị cấm vì theo bộ LĐ,TB&XH, đây là công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hóa, nghề massage không xấu, từ lâu đời công việc này được coi là sản phẩm văn minh của nhân loại.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Đinh Hồng Hải, khoa Nhân học của trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định: “Quan điểm cấm lao động Việt Nam làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí ở nước ngoài là hiểu sai về những nước khác. Bởi vì bản chất công việc ta gọi là massage hay karaoke… là những sản phẩm văn minh của nhân loại đã tồn tại hài nghìn năm. Nghề massage đã có từ thời Alexandros Đại đế (từ thời la mã cổ đại).

Đặc biệt từ thời đế chế Ottoman thì đó là một trong những dịch vụ cực kỳ xa xỉ và thường chỉ có vua chúa mới được sử dụng dịch vụ đó”.

Theo nhìn nhận của PGS.TS Đinh Hồng Hải: “Nghề massage ở Việt Nam đã bị biến tướng. Việc biến tướng nghề này hoàn toàn là của Việt Nam chứ không ảnh hưởng gì đến cách nhìn nhận của người nước ngoài.

Nghề massage ở nước ngoài không xấu, họ không hề hiểu nghề massage theo nghĩa đen hay tiêu cực như cách một bộ phận người Việt hiểu. Do đó, việc ta lấy góc nhìn công việc massage ở nước ta đã bị biến tướng để soi chiếu vào những sản phẩm văn minh của họ là cái nhìn sai trái”.

PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết thêm: “Nếu đúng bản chất thì công việc massage ở Việt Nam gọi bằng một cái tên thuần Việt là phương pháp vật lý trị liệu. Nếu đến viện đông y trị liệu sẽ thấy được rằng phương pháp này cực kỳ tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, phương pháp vật lý trị liệu này ở nước ta cũng được coi là một sản phẩm văn minh mang lại những yếu tố tích cực cho cuộc sống của con người”.

Góc nhìn luật gia - Cấm lao động sang nước ngoài làm nghề massage: Chuyên gia chỉ ra điều vô lý

Chuyên gia văn hóa - PGS.TS Đinh Hồng Hải.

“Mặt trái ở đây là do vấn đề quản lý ở nước ta, còn bản thân nghề massage theo như ý nghĩa sâu xa và cách nhìn nhận của các nước trên thế giới thì không có gì xấu. Cái xấu nảy sinh là do ta không quản lý được.

Nên thay vì nhìn nhận theo hướng tiêu cực, tôi nghĩ rằng ta nên có chính sách quản lý tốt hơn. Một khi quản lý tốt thì mặt tích cực và tiêu cực sẽ được phân biệt rõ ràng”, PGS.TS Đinh Hồng Hải khẳng định.

Đồng quan điểm, TS. Ngọ Văn Nhân, chuyên gia xã hội học, giảng viên đại học Luật Hà Nội có ý kiến: “Thứ nhất, nếu cấm lao động lao động Việt Nam ở nước ngoài làm công việc massage thì ngành nghề massage ở trong nước vẫn tồn tại và phát triển, hoạt động một cách hợp pháp. Vậy các nhà làm luật lý giải câu chuyện này như thế nào?”.

“Nếu cho rằng nghề massage trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thì tại sao pháp luật Việt Nam vẫn cấp phép cho các cơ sở hoạt động trong ngành nghề này theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện? Cho nên, nếu nói trái với thuần phong mỹ tục thì công việc massage này đã trái ngay từ trong nước chứ chưa nói đến nước ngoài”, đánh giá của TS. Ngọ Văn Nhân

TS. Ngọ Văn Nhân chia sẻ: “Bên cạnh đó, ở Việt Nam đã quy định rõ ngành nghề này được pháp luật điều chỉnh như thế nào, để hoạt động ngành nghề này cần phải có cơ sở vật chất ra làm sao để được cấp phép, phương thức hoạt động như thế nào? Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều hiện tượng trá hình biến tướng nghề massage trở thành tiêu cực, thậm chí dính dáng đến hoạt động mại dâm. Chính sự biến tướng này đã khiến nhiều người nghĩ rằng nghề massage là một nghề xấu, không nên tồn tại”.

Theo TS. Ngọ Văn Nhân: “Câu chuyện thứ hai đặt ra, ở các nước trên thế giới, từ rất lâu đời, kể cả từ thời la mã cổ đại thì nghề massage được coi là nghề văn minh, chỉ có vua chúa, người giàu mới có thể được sử dụng. Massage đem lại cho con người cảm giác thư giãn, thoải mái, lấy lại sức khỏe sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.

Khi nhìn nhận ra ngoài khuôn khổ Việt Nam, các nước trên thế giới họ vẫn đang đẩy mạnh phát triển công việc này. Cho nên, theo quan điểm của bản thân tôi thì ngành nghề này không có gì xấu.

Tôi thấy rằng không nên cấm lao động Việt Nam làm công việc này ở nước ngoài. Vì bản chất, người nước ngoài họ không hiểu massage theo nghĩa đen hay biến tướng như ở Việt Nam”.

“Ngoài ra, nói một cách nôm na theo đúng bản chất người Việt thì đây là hình thức vật lý trị liệu để bảo đảm sức khỏe cho con người, giúp con người thư giãn, lấy lại năng lượng để tiếp tục một ngày lao động mới, đây là một nhu cầu chính đáng của con người”, TS. Ngọ Văn Nhân cho biết

TS. Ngọ Văn Nhân nói thêm: “Câu chuyện ở trong nước, chủ các cơ sở kinh doanh ngành nghề này lợi dụng để biến tướng trá hình, tôi nghĩ pháp luật phải có chế định xử phạt nghiêm.

Và theo ý kiến của tôi, cần phải căn cứ vào thực tiễn các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, cũng như cần nhìn nhận vào những mặt tích cực của công việc này đem lại chứ không nên nhìn vào mặt trái không đáng có của nó. Thêm vào đó, cần dựa theo xu thế của các nước trên thế giới để nhìn vấn đề và không nên đưa công việc này vào danh mục cấm”.

TS. Ngọ Văn Nhân nhấn mạnh: “Các nhà quản lý ở nước ta đang chỉ nhìn vào mặt trái của công việc này mà không nghĩ đến mặt tích cực nó đem lại ra sao. Do cách quản lý của nước ta còn hạn chế, vì vậy nên có nhìn nhận vấn đề theo xu thế phát triển và cần quản lý vấn đề này một cách tốt hơn. Không nên cho ngành nghề này vào danh mục cấm lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài”.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ phía cục Quản lý lao động ngoài nước, bộ LĐ,TB&XH để tìm hiểu rõ hơn về dự thảo Nghị định này, tuy nhiên vẫn chưa được hồi âm. PV báo Người Đưa Tin sẽ cập nhật ngay thông tin đến độc giả khi có hồi âm từ phía cơ quan này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.