Liên quan đến việc sở Tư pháp TP.HCM cấm các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng cho các giao dịch nhà đất khi chưa có chủ quyền sở hữu, giấy chứng nhận hợp pháp để chuyển nhượng, mua bán cho người khác, PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, một trong văn phòng đầu tiên của cả nước.
PV: Thưa ông, việc sở Tư pháp cấm các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng cho các giao dịch nhà đất chưa hợp lệ. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Lê Mạnh Hùng: Đây là nhu cầu có thật của xã hội, nếu các văn phòng thừa phát lại không lập vi bằng thì người dân vẫn lập giấy tờ mua bán bằng giấy tay. Trong trường hợp nếu xảy ra vấn đề tranh chấp thì lại thiếu chứng cứ để tòa xem xét và không có tài liệu để chứng minh. Việc giao dịch đó là có thật, mặc dù là vô hiệu. Do đó, nếu có vi bằng sẽ bảo vệ quyền lợi cho bên mua và bên bán.
PV: Có ý kiến cho rằng, thừa phát lại đang tiếp tay cho các giao dịch nhà đất không hợp lệ. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Lê Mạnh Hùng: Đúng là cũng có quan điểm cho rằng, thừa phát lại làm những việc như vậy là khuyến khích người dân mua bán, chuyển nhượng những nhà đất không hợp lệ. Tôi cho rằng, nếu thừa phát lại không làm những chuyện đó thì thực tế, các giao dịch đó vẫn diễn ra. Bao nhiêu năm nay, người dân vẫn mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay.
Vì thế, quan điểm cho rằng, thừa phát lại tiếp tay cho việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất chưa hợp lệ thì tôi cho rằng không phải là 100%, không hoàn toàn chính xác. Bởi, người ta mua bán nhà thì tài sản đó đã là hiện hữu rồi.
PV: Vậy, trong vấn đề này ai phải là người chịu trách nhiệm thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hùng: Ai chịu trách nhiệm? Rõ ràng, chính quyền địa phương, rồi cơ quan cấp phép xây dựng... mới là người tiếp tay, để cho người có đất ruộng, đất lúa xây nhà lên bán cho người dân.
Đây mới là cái ban đầu để đánh giá, còn khi tài sản đã hình thành rồi thì người dân vẫn mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay. Mặc dù chưa hợp lệ nhưng nhu cầu của người dân là có thật.
Trong trường hợp này, tôi cho rằng, lập vi bằng là cách để bảo vệ quyền lợi của người dân kể cả người mua và người bán. Giả sử như căn nhà đó chưa được xây dựng thì đâu ai mua làm gì đất ruộng?. Do đó, đổ lỗi cho thừa phát lại thì không chính xác 100%.
PV: Hiện nay, để quản lý tốt hơn đối với các giao dịch nhà đất chưa hợp lệ cũng như hoạt động thừa phát lại, theo ông cơ quan chức năng cần làm gì?
Ông Lê Mạnh Hùng: Tôi cũng đã có ý kiến với sở Tư pháp về vấn đề này rồi. Tôi cho rằng, việc cấm lập vi bằng trong việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất chưa hợp lệ là cách làm đối phó, giải quyết phần ngọn. Bản chất vấn đề ở đây là các Thừa phát lại cũng như mọi người phải ý thức được rằng, việc lập vi bằng chỉ là chứng cứ, chứ không phải chứng thực.
Trong đó, quan trọng nhất là Thừa phát lại cũng phải giải thích rõ giá trị của vi bằng tới đâu, như thế nào... cho người dân hiểu. Do đó, khi Thừa phát lại lập vi bằng và giải thích thì cũng nên có một tờ giấy hướng dẫn, cam kết nói rõ nội dung vi bằng này có giá trị tới đâu, để làm gì và cho các bên ký vào đó, kể cả Thừa phát lại. Vì nói không thì nhiều người vẫn chưa rõ.
Vi bằng không có giá trị như công chứng, chứng thực mà nó chỉ có mặt pháp lý là chứng cứ (nếu các bên có tranh chấp xảy ra thì đây là chứng cứ). Đồng thời, vi bằng cũng không có giá trị để cầm đến các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện các giao dịch khác.
PV: Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất chưa hợp lệ tới đây sẽ như thế nào?
Ông Lê Mạnh Hùng: Người ta vẫn mua bán xưa nay bằng giấy tay. Trong trường hợp không lập được vi bằng nhưng nhu cầu vẫn có và diễn ra nhiều thì người dân sẽ tiếp tục mua bán bằng giấy tay, sau đó yêu cầu tổ trưởng tổ dân phố hoặc hai, ba người nào đó vào làm chứng thì cũng được.
Tuy nhiên, nó lại thiếu tính xác thực hơn so với việc lập vi bằng. Dù gì bằng mọi cách người dân vẫn sẽ thực hiện các giao dịch, chuyển nhượng đó. Mọi việc sẽ trở lại như xưa.
Xin cảm ơn ông!