Gửi con vào... “địa ngục”
Mấy ngày qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước những hình ảnh, thông tin liên quan đến vụ hai cô giáo trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) hành hạ học sinh dã man.
Được biết, quản lý trường mầm non là bà Lê Thị Đông Phương, ngoài nhân viên giúp việc Nguyễn Lê Thiên Lý còn có một cấp dưỡng. Hai cô giáo tại trường đã “chăm sóc” các bé bằng các "phương pháp" như: Bóp cổ, tát, dúi đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi... thậm chí còn bế một cháu bé lên cắm đầu bé vào thùng nước dọa vứt nếu các bé không chịu ăn. Lý giải cho hành động của mình tại cơ quan công an, bảo mẫu Lý thản nhiên cho biết: “Phải ép cho trẻ ăn để khi đón về bố mẹ chúng không bảo bị bỏ đói, nếu ói ra bắt phải ăn tiếp lần sau mới sợ, mà không cho ăn lại thức ăn đã ói ra thì lấy đâu ra cháo mà cho ăn tiếp?!”.
Nhìn những hình ảnh được đăng tải trên các trang mạng, dư luận hết sức bất bình và đặt câu hỏi, không hiểu tại sao những đứa trẻ ngây thơ vô tội mà lại bị hành hạ tàn bạo như vậy? Ánh mắt rất sợ hãi của các em khi nhìn cô giáo chứng tỏ các em đã bị hành hạ nhiều lần rồi. Thậm chí, trước những hành động tàn bạo, dã man của các cô bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh, có bạn đọc không giấu được cảm xúc khi thốt lên: "Trường này là trường giết người chứ đâu phải trường mầm non”.
Theo tìm hiểu của PV, chiều 17/12, công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đã tổ chức họp báo công bố lệnh khởi tố, bắt tạm giam cô giáo Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, quản lý trường mầm non tư thục Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê Kiên Giang). Công an quận Thủ Đức cũng đang củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý về hành vi “kinh doanh trái phép” đối với bà Lê Thị Đông Phương.
"Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý "chăm sóc" một “mầm non”. Ảnh Tuổi Trẻ.
Trước đó không lâu, việc một cháu bé 12 tháng tuổi bị tử vong khi được bố mẹ đưa đi gửi tại trường mầm non Thiên thần nhỏ (Hà Nội) nghi do sặc cháo hay vụ việc bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi) đánh đập bé Đỗ Nhất L. (18 tháng tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) dẫn đến tử vong đã rúng động dư luận.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành man rợ tại trường mầm non tư thục, nhiều ý kiến cho rằng, nên cấm mô hình trường mầm non tư thục, nhà trẻ thì mới “xoá” được các “địa ngục trần gian” đang tồn tại.
Mải lo “đại học” mà lơ là “mầm non”?!
Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm để xảy ra vấn đề xâm hại trẻ em Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh quy định: “Nếu địa phương nào để xảy ra vấn đề xâm hại trẻ em thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Về mặt quản lý Nhà nước nếu sự việc xảy ra ở phường nào, quận nào thì chính chủ tịch địa bàn đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho công an, hội phụ nữ hay bên giáo dục được”. |
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Không chỉ bản thân tôi mà bất kỳ người dân nào khi xem clip này là cực kỳ bức xúc, phẫn nộ. Tôi cực kỳ phẫn nộ với hai “ác mẫu” giữ trẻ. Các trường hợp bạo hành trẻ em cần phải bị trừng trị thích đáng. Ngoài xử lý nghiêm những nhà trẻ giữ trẻ trái phép cần xử lý cả chính quyền địa phương để xảy ra vụ việc đó. Trong xóm, trong ấp nhà nào giữ trẻ, nhà nào có nhóm trẻ hay không thì chính quyền địa phương phải nắm được. Nếu nói không biết là điều hết sức vô lý.
Nếu biết mà không đến để cấp phép và xem điều kiện trông giữ trẻ ra sao thì phải kỷ luật phòng giáo dục nơi đây, vì phòng giáo dục là nơi quản lý cả trường công lẫn trường tư. Phải kỷ luật hàng loạt những người liên quan, những người có trách nhiệm mà vẫn để sự việc “động trời” như thế xảy ra, không thể nói chung chung được”.
Theo bà Thu, về chính sách, Nhà nước không nên “lo” mãi cho đại học. Đối với bậc đại học, có thể tư nhân hoá, cho nước ngoài tham gia mở trường. Nhà nước cần tập trung kinh phí để lo cho mầm non bao gồm nhà trẻ và các trường mẫu giáo thì mới có thể “xoá” những “địa ngục trần gian”.
“Trước đây, phụ nữ nghỉ sinh 4 tháng xong đi làm không thể gửi con cho ai. Bây giờ sau nghỉ thai sản 6 tháng cũng không thể gửi cho ai được. Đặc biệt là công nhân đều là người tỉnh khác, họ phải di cư đô thị, thuê phòng trọ, gửi con cho nhà trẻ tư thì nơm nớp lo sợ. Nhà nước cần có những tính toán vĩ mô hơn nữa. Theo tôi, nhà nước cần phải quay lại lo 100% cho mầm non (không phải là bao cấp hoàn toàn như ngày xưa). Có thể cho tư nhân hoặc tập thể tham gia nhưng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ ở đầu vào và quản lý con người”, bà Thu kiến nghị.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Thực sự vụ việc khiến tôi rất bức xúc, vì nó nghiêm trọng giống như một số vụ từng xảy ra trước đây. Do vậy, sau khi xem clip, tôi đã điện thoại cho Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM yêu cầu phải cùng với công an vào cuộc ngay lập tức xác minh làm rõ vụ việc thực tế diễn ra như thế nào. Quan điểm của tôi là phải xử lý hình sự trường hợp này, phải phạt tù chứ không thể “phạt cho qua” như trước đây. Điều đáng bàn, chính quyền đâu, tổ dân phố đâu, trong những trường hợp như trên? Ngoài việc xử lý trách nhiệm thiếu nghiêm minh, điều trước tiên tôi muốn nói là sự thờ ơ, vô cảm giữa con người với nhau”.
Cần đưa các em bị bạo hành đến gặp chuyên gia tâm lý Về góc độ tâm lý, tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Qúy (cố vấn đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, cục Chăm sóc Bảo vệ Trẻ em - bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Việc hành xử của các bảo mẫu trên có nguyên nhân trong quá trình đào tạo chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nhà giáo, trong đó có tình yêu trẻ của những bảo mẫu này ở trường sư phạm đã không đạt”. Nếu có thể, các em bị bạo hành nên được trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để được nói, bày tỏ hết về nỗi sợ hãi lẫn sự tức giận của mình khi bị cô giáo hành hạ như vậy. Hoặc chính bố mẹ nên giúp con nói ra hết. Con người sẽ có khả năng tự phục hồi, lấy lại cân bằng nếu được chăm sóc tốt. Sau khi được bày tỏ hết sự sợ hãi của mình, điều cần thiết là em cần có điều kiện, môi trường chăm sóc, giáo dục tốt để sớm cải thiện tình hình”. |
Thơm - Lan