Tâm sự của ông Chấn sau hơn 10 ngày được tạm tha
Lần đầu tiên sau hơn 10 ngày được tạm tha về với gia đình, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú lại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mới có được một buổi sáng thảnh thơi theo đúng nghĩa. Mưa vẫn lây phây bởi tàn dư từ cơn bão số 14 tàn khốc tràn về từ biển lớn, nhưng trời đã sáng rạng hơn nhiều so với những ngày bão còn hằm hè ngoài khơi Bắc Bộ. Cả nhà ông Chấn thở phào nhẹ nhõm bởi bão tố cơ bản đã qua đi.
Sau những ngày đầu nườm nượp khách viếng thăm, giờ đây căn nhà nhỏ nằm sâu hun hút gần cuối làng Me của ông Chấn đã bớt người qua lại. Tiếp đón chúng tôi, ông Chấn khá tươm tất với áo sơ mi trắng "cắm thùng" trong chiếc quần thô màu nâu nhạt, mái tóc chải gọn gàng. Trông ông có vẻ khỏe hơn, nét mặt tươi hơn, nước da đã bớt đen đúa nhưng nụ cười vẫn chưa một lần ló rạng. Giọng ông Chấn vẫn chầm chậm và rề rà, tuy nhiên đã có cảm xúc hơn so với những ngày đầu gặp gỡ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn quỳ trước ban thờ, khẳng định mình bị ép cung và đánh đập trong quá trình điều tra.
Trả lời PV về cảm nghĩ khi biết thông tin các điều tra viên đều nhất loạt phủ nhận những lời cáo buộc của mình, ông Chấn thật thà cho biết: "Tôi không nhất trí đâu. Các ông Ngô Văn Tân, Trần Nhật Luật và Ngô Đình Dung có đánh tôi rồi cho chuyển từ buồng giam này sang buồng giam khác nhiều lần, để đầu gấu đánh tôi. Từ bé tôi là con độc nhất, mồ côi bố, ít va chạm có đi đâu đâu nên rất hoảng sợ khi bị đánh đập, tra tấn như thế. Còn có cả kiểm sát viên Đặng Thế Vinh cũng vào dọa dẫm, bắt tôi ký.
Họ bắt tôi làm hết cái nọ đến cái kia, rồi vô lý bảo tôi viết đơn xin đầu thú, trực tiếp ông Ngô Đình Dung bắt tôi viết đơn đầu thú và bắt tôi đọc lại đơn nhiều lần cho đến thuộc lòng. Nếu tôi không nghe thì bị họ đánh đập. Các cán bộ trực đêm cứ uống rượu mặt đỏ lừ, tay cầm búa đinh dọa dẫm, mắt trợn lên rất ghê. Trong các điều tra viên, tôi ấn tượng nhất với ông Tân vì ông ấy hay đánh tôi rất đau".
Ông Chấn cũng kể tiếp, khi ra tòa, ông đã hết mực kêu oan với HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm nhưng đều không được chấp thuận. "Ra tòa phúc thẩm, tôi cũng nói, nhưng HĐXX lại không cho tôi nói, còn bảo phải trả lời theo hồ sơ vụ án. Khi đến phiên tòa phúc thẩm, tôi cũng trình bày như thế, nhưng tòa cũng chẳng quan tâm và vẫn kết án tôi", ông Chấn cho biết.
Nhớ lại những năm tháng tủi nhục sau song sắt, ông Chấn buồn bã thú nhận rằng mình đã có tới 2 lần nghĩ quẩn, toan tự sát nhưng bất thành. "Bị tù oan tôi buồn lắm, cả ngày chỉ nghĩ thôi nhưng không biết phải làm thể nào để giải thoát cho xong cái cuộc đời oan trái này nên tôi muốn chết.
Một lần vào khoảng 11-12h đêm, nhân lúc mọi người ngủ say, tôi rút dây từ dải quần ra, quấn quanh cổ rồi cứ thế xoắn dần lại bằng bàn chải đánh răng cho đến khi cái dây thít chặt vào cổ. Nhưng đến khi tôi gần tắc thở thì 4 anh em trong phòng giam cùng lao vào cứu tôi. Sau này, tôi mới biết lúc tắc thở, cổ họng tôi phát ra tiếng è è rất to khiến mọi người thức giấc. Nếu không tôi đã chết rồi", ông Chấn xúc động nhớ lại.
Kể xong, ông Chấn vô thức đưa bàn tay lên sờ nhẹ lên cổ rồi ngước nhìn chênh chếch về phía ban thờ cha ông - liệt sỹ Nguyễn Hữu Phấn (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) nói nhỏ: "Hơn 10 năm trong tù, tôi chỉ biết kêu oan. Cứ ngủ thì thôi, thức lúc nào là tôi kêu oan lúc đó. Nhiều lần cứ nghĩ là thôi buông xuôi, bỏ mặc lại vợ con và mẹ nhưng không chết được. Trong tù, tôi vẫn khấn vong linh bố tôi phù hộ để tôi được minh oan. Nay sự việc thế này, tôi chỉ đề nghị, tôi đi tù bao nhiêu năm thì các điều tra viên cũng phải đi tù như tôi bằng ấy năm...".
Đại tá Nguyễn Văn Chức - chánh văn phòng công an tỉnh Bắc Giang.
5/6 điều tra viên trong “vụ ông Chấn” đều đang giữ chức vụ cao
Trao đổi với báo chí, ông Thân Văn Khoa - phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HÐND tỉnh Bắc Giang - cho biết đã triệu tập cuộc họp với Ban giám đốc công an tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo các ngành liên quan để nghe báo cáo về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Báo cáo tại cuộc họp, giám đốc công an tỉnh Bắc Giang, đại tá Phạm Văn Minh cho biết, các điều tra viên trực tiếp tham gia điều tra, xét hỏi ông Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình và tất cả đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập hay hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.
Không khác nhiều so với đồn đoán của dư luận, cả 6 điều tra viên tham gia vào quá trình điều tra ông Nguyễn Thanh Chấn trước đây đều nhất loạt phủ nhận hành vi bức (ép) cung, đánh đập hay "hướng dẫn khai" đối với ông Chấn. Công an tỉnh Bắc Giang "nín thở" đợi chờ, trả lời phỏng vấn báo giới một cách chừng mực và không đưa nhiều bình luận. Câu hỏi đang rất được dư luận quan tâm là: Liệu ông Chấn có đang "gặp khó" trong con đường tìm công lý khi tiền lệ nước ta chưa từng ghi nhận bất cứ trường hợp cán bộ nào bị truy tố vì làm oan sai cho người vô tội? Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy, chứng minh một người bị ép cung và dùng nhục hình là vô cùng khó khăn. |
Trong số 7 điều tra viên năm nào thì nay một người đã qua đời, 6 người còn lại đều đang giữ những chức vụ cao trong công an tỉnh Bắc Giang gồm: Đại tá Thái Xuân Dũng, chánh Thanh tra công an tỉnh Bắc Giang, từng là phó thủ trưởng Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang, phó phòng CSÐT. Ông Dũng đã ký kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh Bắc Giang đề nghị truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người; đại tá Lê Văn Dũng, trưởng phòng CSÐT tội phạm về ma túy công an tỉnh Bắc Giang, nguyên là phó phòng CSÐT, người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án; Ông Ngô Ðình Dung, phó trưởng công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nguyên là điều tra viên chính của vụ án; Ông Trần Nhật Luật, phó trưởng công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nguyên là điều tra viên; Ông Ðào Văn Biên, phó trưởng phòng CSÐT tội phạm về trật tự xã hội, nguyên là điều tra viên và ông Nguyễn Trung Thành, phó trưởng phòng công tác Ðảng, công tác quần chúng công an tỉnh Bắc Giang, nguyên là điều tra viên, trực tiếp hỏi cung ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ðánh giá về bản giải trình của các điều các tra viên công an tỉnh Bắc Giang, ông Thân Văn Khoa cho biết: "Họ báo cáo, giải trình như thế thôi, chứ việc giải trình đó có được các điều tra viên của bộ Công an, VKSNDTC chấp thuận hay không lại là chuyện khác. Kết luận cuối cùng về việc có vi phạm trong tố tụng, điều tra, xét hỏi hay không, thuộc về các cơ quan cấp trên".
Trả lời PV, người phát ngôn công an tỉnh Bắc Giang - đại tá Nguyễn Văn Chức (chánh văn phòng công an tỉnh Bắc Giang) xác nhận thông tin công an tỉnh đã có buổi làm việc với sự tham gia của các điều tra viên (trừ điều tra viên đã mất) trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn và yêu cầu những người này viết tường trình về vụ việc.
Trước những thông tin ông Chấn từng bị đánh đập, ép cung trong quá trình điều tra, chánh văn phòng công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Nếu điều tra viên nào làm như vậy là không đúng, không được phép làm. Còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào thì phải chờ điều tra, xác minh".
Bày tỏ quan điểm về việc cả 6 điều tra viên đều nhất loạt "kêu oan", ông Chức nói: "Đây là việc nội bộ của ngành công an nhưng kết luận đúng sai là thẩm quyền của VKSNDTC. Chúng tôi nói thế nào cũng không ổn, không khách quan và cũng không nói được. Tôi tin rằng VKSNDTC sẽ làm đến nơi đến chốn, kết luận đúng người đúng tội. Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền điều tra những vi phạm tư pháp thuộc về VKSNDTC, chúng tôi cũng không thể làm hơn được".
Ông Chức cũng cho biết thêm, nếu thực sự ông Chấn bị oan, trách nhiệm xin lỗi và bồi thường sẽ thuộc về TANDTC bởi cơ quan này đã đưa ra phán xét cuối cùng. Ông này cũng nói, công an tỉnh Bắc Giang sẽ chịu trách nhiệm nếu VKSNDTC có yêu cầu.
Được biết vào thời điểm ông Chấn bị khởi tố về tội giết người, ông Phạm Văn Minh (hiện là giám đốc công an tỉnh Bắc Giang) đang giữ vai trò là phó giám đốc - Thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang. HĐXX ông Chấn trước đây của TAND tỉnh Bắc Giang có 5 người thì một thẩm phán đã nghỉ hưu năm 2006, một thẩm phán đã chuyển sang làm thẩm tra viên. Còn về phía VKSND tỉnh Bắc Giang, khi ấy kiểm sát viên là Đặng Thế V. hiện cũng đang giữ một chức vụ quản lý.
Bỏ lọt chứng cứ làm thay đổi cả bản chất vụ án
Theo các tài liệu đã đưa ra trước đây để cáo buộc ông Chấn phạm tội giết người, các cơ quan tố tụng đều thống nhất cho rằng nguyên nhân khiến ông Nguyễn Thanh Chấn đã giết nạn nhân Nguyễn Thị H. để "diệt khẩu" sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm bất thành. Trong hồ sơ vụ án, không có bất cứ một tài liệu nào, dù nhỏ nhất, nói về những mất mát tài sản trong nhà nạn nhân. Tuy nhiên, theo lời khai mới đây của Lý Nguyễn Chung, thì bản chất vụ án lại hoàn toàn khác.
Theo đó, Chung khai khoảng 19h30' tối 15/8/2003, Chung - khi ấy mới 14 tuổi 8 tháng, đã nảy ý định giết chị H. sau khi thấy trong ngăn tủ kính của nhà chị H. có nhiều tiền. Nghĩ sao làm vậy, Chung lập tức rút con dao bấm mới mua ra đâm liên tiếp vào người, vào bụng chị H. Trong lúc giằng co, Chung đã đâm trượt hai nhát vào tay trái của mình, đến nay còn để lại sẹo. Đến khi lưỡi dao bị gãy, Chung túm tóc, đập đầu nạn nhân vào tường, nền nhà, dùng chiếc gối đè lên mặt chị H. cho đến chết.
Gây án xong, sát thủ nhí mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền là 59.000 đồng, sau đó tháo hai chiếc nhẫn vàng trên tay của nạn nhân, tắt hết đèn rồi đóng cửa ra về. Chuôi dao bị gãy, Chung đem vứt tại đoạn mương cách hiện trường vụ việc khoảng vài chục mét. Đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu để xóa dấu vết vụ án. Những lời khai này của Chung sau đó được cơ quan chức năng xác minh và kiểm chứng là đúng sự thật.
Lật lại những diễn biến đã xảy ra, theo tìm hiểu của PV, được biết trong lúc khám nghiệm tử thi, người nhà nạn nhân cũng phát hiện vết đeo nhẫn trên tay chị H. và đề nghị làm rõ những tài sản của chị H. bị mất nhưng đã không được xem xét. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Hội (mẹ nạn nhân) cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Chấn phải bồi thường hai chiếc nhẫn vàng, tuy nhiên cũng không được xem xét. Với những gì đã xảy ra, có thể nhận thấy đây chính là một sơ hở khá lớn của cơ quan tố tụng, vì nếu tập trung vào tình tiết lưỡi dao gãy và hai chiếc nhẫn bị mất thì mọi chuyện có thể sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Điều 298. Tội dùng nhục hình 1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 299. Tội bức cung Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 1. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. |
Long Nguyễn - Cao Tuân