Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Saudi Arabia giúp việc gia đình.
Trong đó, điểm đáng chú ý của dự thảo là nghiêm cấm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí. Nghề massage đứng đầu danh sách các công việc bị cấm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về nội dung này, luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết: Quyền lao động là quyền con người; theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì công dân được lựa chọn nghề nghiệp mà pháp luật không cấm, không vi phạm đạo đức.
Ở Việt Nam, việc hành nghề massage vẫn được pháp luật cho phép nhưng là một ngành nghề có điều kiện. Hiện một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang lao động vẫn công nhận nghề này.
“Trong khi cả pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài không cấm ngành nghề này thì việc ban hành văn bản hạn chế nội dung này có thể vi hiến, hay nói cách khác là ban hành trái pháp luật”, luật sư An nói.
Cũng theo quan điểm của luật sư An, nếu ban hành quy định như vậy có vẻ lấn sân sang pháp luật nước ngoài. Tức là khi một người xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì phải chịu sự quản lý và phải tuân theo luật pháp của nước sở tại. Lúc này, pháp luật Việt Nam không có quyền can thiệp (trừ một số trường hợp có thỏa thuận khác).
Tiếp nữa, có chăng việc cấm lao động Việt Nam sang nước ngoài hành nghề massage, chủ yếu là lao động nữ sẽ vi phạm quyền bình đẳng giới; trong khi chúng ta đang hướng tới việc loại bỏ sự bất bình đẳng giữa hai giới.
Cuối cùng, trong khi thị trường vẫn có nhu cầu nhưng không có nguồn cung, vô hình trung sẽ dẫn tới tình trạng hành nghề “chui”.
Từ các phân tích trên, dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý, luật sư An cho rằng không có lý do gì để hạn chế người lao động hành nghề massage ở nước ngoài, vì bản thân nghề này được pháp luật Việt Nam cũng như một số nước khác cho phép hoạt động nhưng có điều kiện. Do vậy, việc xây dựng Dự thảo như trên là khó khả thi trên thực tế.
“Để giảm thiểu những rủi ro không đáng có, thì trong quá trình thực hiện chúng ta cần phải tăng cường giám sát, giáo dục cũng như có những phương án xử lý kịp thời”, luật sư An nói.
Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hưng – công ty Luật The Light cho biết: Ở Việt Nam quy định kinh doanh Massage là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không nằm trong Danh mục những ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh theo luật Đầu tư 2014. Việt Nam cho phép hoạt động thì không có lý gì lại cấm người lao động không được kinh doanh ngành nghề này ở nước ngoài.
Luật sư Hưng nói: “Thực tế thì hoạt động massage về bản chất không hề xấu, đó là một nghề lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Nếu quy định như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt về lao động đối với ngành nghề mà họ làm việc”.
Theo luật sư Hưng, quy định như vậy có thể dẫn tới một số hệ lụy. Lấy ví dụ như những đơn vị đưa người đi lao động ra nước ngoài. Để qua mắt lực lượng chức năng, người lao động có thể không đăng ký hoạt động massage mà đăng ký ngành nghề khác. Sau khi sang nước ngoài, họ tự ý thay đổi ngành nghề làm việc, đặc biệt khi luật pháp nước sở tại cũng không cấm ngành nghề này thì chúng ta khó có thể quản lý được. Do đó, quy định này chỉ định tính chứ không định lượng và khó đảm bảo thực hiện được trong thực tế.