Mấy hôm trước con gái mách mẹ: "Mẹ kiểm tra xem thế nào chứ thấy bố mấy hôm nay thức khuya, chát chít với cô nào mà lại hay cười thầm một mình, nghi lắm". Sáng nay, nó lại hỏi: "Hôm nay ngày nghỉ mà sao thấy bố dậy sớm chuẩn bị đi đâu thế?". Bố nó trả lời: "Hôm nay bố đi gặp mặt lũ trẻ con". Con gái gào to: "Mẹ ơi, cho bố đi viện ngay, bố bị làm sao mất rồi".
Ừ thì bố bị làm sao ấy con gái ạ! Không bị làm sao được khi mà bố đi gặp các anh/chị/em - đều cùng là lũ trẻ con khu lắp ghép Khương Thượng như bố thưở ấy, sau mấy chục năm, nay mới có dịp gặp mặt, khi mà mái tóc đã điểm bạc quá nhiều, ở cái tuổi chắc cũng chẳng kém tuổi ông bà nội của con thời ấy là mấy.
Lũ trẻ con ấy đã từng sống, học tập, vui chơi với nhau từ cái thời mấy mươi năm trước, cùng nhau lớn lên trong những tháng ngày khó khăn bộn bề, đủ thứ thiếu thốn sau khi đất nước vừa giành được thống nhất, lại phải đương đầu liên tiếp với 2 cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước là biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Không "bị làm sao" được con gái ơi, khi mà thời ấy lũ trẻ con như bố đến tuổi ăn học thì chỉ được học ngày 1 buổi, chẳng mấy ai được học thêm như bây giờ, sách vở thì thiếu thốn đến nỗi vài người chung nhau một quyển sách giáo khoa. Sức thanh thiếu niên đang lớn mà cũng chủ yếu là ăn cơm kèm rau luộc với miếng cá khô hoặc mắm tôm chưng, mà cũng chẳng mấy khi được ăn no, nhiều khi phải ăn độn lẫn sắn, hạt bobo, bánh mỳ, mỳ sợi luộc..., họa hoằn lắm mới được ăn miếng thịt, con cá, làm gì có chuyện mâm cơm có vài đĩa thức ăn mà con gái vẫn chê chẳng có gì ăn như bây giờ.
Thế mà sống trong vô vàn gian khó ấy, lũ trẻ con như bố vẫn sống, vui chơi hết mình để suốt mấy ngày nay các bác, các cô, các chủ kể suốt mà không hết các trò chơi ngày ấy. Sống trong gian khó ấy, lũ trẻ con như bố thời ấy vẫn học hành chăm ngoan, để rồi lớn lên dựng xây được đất nước cho các con hưởng thụ ngày hôm nay đấy!
Nơi mà các con gọi là chợ A8 - nổi tiếng khắp thanh thiếu niên, sinh viên Hà Nội ngày nay chính là cái khu tập thể lắp ghép Khương Thượng mà ngày xưa bố và gia đình đã từng sống. Nhạc sỹ Phạm Tuyên - một trong những nhạc sỹ sáng tác nhiều bài hát hay nhất cho trẻ thơ cũng nhờ một phần lấy cảm hứng từ lũ trẻ con khu lắp ghép Khương Thượng thời đó đấy con gái ạ!
Ngày xưa ấy, cách đây đã mấy mươi năm, cũng chỉ vì mưu sinh cuộc sống, vì xã hội phát triển mà lũ trẻ con phải tản mát đi làm ăn, sinh sống học tập, bươn chải khắp nơi, để rồi thất lạc tin tức mấy chục năm qua chẳng tìm được nhau.
Ngày nay, nhờ xã hội phát triển, công nghệ hiện đại, với sáng kiến của chính con gái nhạc sỹ Phạm Tuyên, chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày mà đã thỏa được niềm mong ước mấy chục năm qua mà chẳng làm được là tụ tập liên hệ được gần như tất cả hàng mấy trăm con người già trẻ lớn bé, để rồi ngày hôm nay hẹn hò nhau gặp mặt lũ trẻ con khu lắp ghép Khương Thượng thưở ấy - cái mà con gái gọi là "bị làm sao" đó.
Trở về khu nhà cũ, gặp gỡ lũ trẻ con ngày ấy, lạ lạ, quen quen, mừng mừng tủi tủi. Lạ vì ai cũng đã luống tuổi, có người đã lên chức ông bà. Quen vì vẫn nhí nhảnh, ríu rít như thưở nào. Lạ vì ai cũng phải giơ tờ giấy ra xa để đọc - biểu hiện của mắt lão hóa, ai cũng phải đeo biển tên để còn nhận ra nhau. Quen vì cũng như ngày ấy, tất cả lũ trẻ thời đó hỏi han nhau thân thiết như người nhà, chẳng phân biệt sang hèn, dãy nhà ở. Quen vì hàng phượng vĩ thì vẫn còn đó, lạ vì nhiều cái đã đổi khác nhiều không giống xưa.
Xưa, khoảng trống giữa các dãy nhà rộng mênh mông, mở ra vô vàn trò tinh nghịch của trẻ. Nay, sân chơi đã thu hẹp và bê tông hóa, chật cứng hàng quán, chẳng còn chỗ chơi bi, chơi đáo như thưở nào.
Xưa, mỗi nhà chỉ đôi chục mét vuông, trẻ con chạy hết nhà này sang nhà kia tự do thoải mái, đến tối già trẻ lớn bé trải chiếu nằm trên cái nền nhà bê tông hè thì nóng, đông thì lạnh trong tổ ấm của mình. Nay, cả khu cơi nới trước sau, hàng quán chen chúc, căn hộ nào cũng riêng biệt, đóng cửa kín mít.
Thôi thì, xưa lũ trẻ ước mình lớn lên thật nhanh để được bay nhảy đi đây đi đó, rồi làm ăn trở thành phú quý giàu sang. Nay, xin được có lúc thảnh thơi để mà hoài niệm về những ngày xưa cũ của "lũ trẻ khu lắp ghép Khương Thượng thời ấy".
Nguyễn Quang Minh (Bài viết nhân họp mặt lũ trẻ con khu lắp ghép Khương Thượng cách đây 30 năm)