Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ KH&CN, các thiết bị máy móc cũ được nhập về Việt Nam không phải là các máy móc, thiết bị mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Các linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu với mục đích thay thế máy móc, dây truyền đang sử dụng.
Các thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo các dự án đầu tư phải được giám định tại nước xuất khẩu, trước khi tháo gỡ, đóng gói vận chuyển về Việt Nam.
Yêu cầu về chất lượng, niên hạn của máy móc, Bộ KH&CN cho biết: Các thiết bị phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Để đảm bảo phù hợp về chất lượng, Bộ KH&CN cấm nhập khẩu các thiết bị có độ tuổi vượt quá 10 năm.
Riêng đối với các thiết bị chính của một số dự án đầu tư, Bộ KH&CN vẫn khá "mở" đối với các thiết bị chính, công nghệ "lõi" của dây chuyền. Cụ thể, phương án 1, các thiết bị chính của dây chuyền công nghệ được nhập về Việt Nam phải có tuổi đời không quá 20 năm. Các máy móc này đang ở trạng thái vận hành, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tiêu chuẩn của các nước G7.
Tuổi thọ còn lại của các thiết bị trong dây truyền sản xuất còn lại không ít hơn 10 năm so với thiết kế và chất lượng các thiết bị chính còn lại phải đạt từ 75% trở lên.
Theo Bộ KH&CN, quy định về chất lượng và giám sát chất lượng được thực hiện nay tại nước xuất khẩu với các chứng thư đi kèm và được giám định tại Bộ KH&CN. Nếu hàng hoá được nhập về Việt Nam nhưng không đáp ứng được các điều kiện chất lượng theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị Bộ KH&CN xử phạt vi phạm.
Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư này, Bộ KH&CN không bắt buộc tái xuất các lô hàng máy móc cũ vi phạm chất lượng, niên hạn nói trên.
Được biết, sau khi lấy ý kiến các bộ, ban ngành và dư luận, dự kiến tháng 6/2018 Thông tư chính thức có hiệu lực và các doanh nghiệp đủ điều kiện, tuân thủ đủ các quy trình sẽ được giải quyết hồ sơ sau 15 ngày làm việc, kể từ thời điểm Bộ KH&CN tiếp nhận hồ sơ.
Theo An Linh/Dân trí