Nhưng thật trớ trêu, nhiều năm qua bà Gi. phải âm thầm nuốt nước mắt vào trong bởi những trận đòn chí tử do chính đứa con mà bà đã nhận về nuôi từ khi hắn mới lọt lòng cho đến lúc trưởng thành.
Nuôi hy vọng
Năm nay 71 tuổi nhưng quả thực khi mới gặp bà Gi., chúng tôi cứ ngỡ rằng bà phải già hơn cái tuổi của bà hàng chục tuổi. Khuôn mặt bà héo hon, giọng nói thều thào khiến chúng tôi phải thật chú ý lắng nghe mới hiểu hết câu chuyện buồn liên quan đến cuộc sống mà đằng đẵng những năm dài bà phải gánh chịu.
Bà kể, lấy chồng khi mới ở tuổi thiếu nữ. Tuy nhiên, do đất nước trong cảnh chiến tranh, hơi ấm vợ chồng, hạnh phúc gia đình chưa được bao nhiêu thì chồng bà lên đường nhập ngũ. Sợi dây tình cảm duy nhất của bà và ông lúc đó chỉ là những lá thư nhưng không phải tháng nào hai người cũng được tâm sự với nhau thường xuyên bằng những con chữ. Xa xôi, cách trở là thế nhưng tình cảm của hai vợ chồng bà chưa có lúc nào phai nhạt. Thời gian ông về thăm bà cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và một trong những lần về thăm đó, bà đã sinh cho ông cô con gái đầu lòng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng bà Gi. luôn gắng gượng nuôi con khôn lớn trưởng thành. Để vơi bớt nỗi đau, niềm thương nhớ về người chồng đã hy sinh ngoài mặt trận, bà tham gia công tác xã hội ở địa phương. Trong những lần tham gia này, bà đã trực tiếp chăm sóc cho một người lính bị sốt rét ngay trong căn nhà của mình. Biết được hoàn cảnh của bà, người lính này đã góp ý bà nên xin một đứa con trai để nuôi, mai này khi về già sẽ có nơi nương tựa, nhờ cậy. Suy nghĩ nhiều ngày, thấy anh bộ đội nói đúng, bà đã nhờ anh này nếu gặp được ai cho con thì xin cho bà một đứa.
Nguyễn Văn Hữu trước vành móng ngựa.
Không lâu sau, người lính bế về cho bà một cậu bé vẫn còn đỏ hỏn khoảng dưới bảy ngày tuổi. Bà bảo: "Mới nhìn ban đầu, tôi đã thích nó rồi. Đôi mắt nó đen nháy, cái miệng thì cứ tóp ta, tóp tép bởi đói sữa nhưng rất đáng yêu. Ngay sau khi nhận từ tay anh bộ đội, tôi đã đặt tên cho nó là Nguyễn Văn Hữu". Bà kể thêm: " Thời đó do Hữu còn nhỏ, lại luôn đòi sữa, ngặt nỗi ở làng không có ai nuôi con nhỏ nên phải vất vả lắm mới nuôi được. Hôm nào không xin được sữa, tôi phải đi bộ cả buổi mới đến được chợ huyện để mua đường về pha với nước cơm cho nó uống. May là, lúc nhỏ nó cũng dễ nuôi, cứ ăn rồi lớn lên, chẳng bệnh tật, ốm đau nhiều như con nhà người khác...".
Nước mắt người mẹ
Hữu cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương hết mình của bà Gi., mặc dù vất vả, khổ ải là thế nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy nản chí. Mỗi lần nhìn thấy thằng con trai nuôi vui cười, mọi mệt nhọc của người mẹ lại bay biến, thay vào đó là sự yêu thương và lòng quyết tâm sao cho con được bằng bạn bằng bè.
Nhưng hi vọng của bà đã dần tan biến khi càng lớn, Nguyễn Văn Hữu càng tỏ ra bướng bỉnh, ăn nói thô lỗ cộc cằn. Chị gái đi làm được đồng nào cũng chắt bóp, dành dụm mua quần áo, sách vở cho em, vậy mà Hữu chẳng coi chị ra gì. Được vài tuổi đầu và đang còn ăn bám gia đình nhưng Hữu luôn có thái độ xấc xược. Bà Gi. lựa lời khuyên nhủ, nhưng Hữu tỏ ra bực tức, đòi bỏ nhà đi.
Bà Gi. kể: "Nhận được tháng lương đầu tiên, cái V. (chị gái Hữu - PV) đã mua cặp và sách vở mới để nó đi học. Cứ tưởng rằng nó sẽ vui mừng khi nhận món quà đó, nhưng nó lại xé toang ra rồi vứt ngay giữa nhà. Còn chiếc cặp sách, nó dùng dao băm nát, sau đó vùng vằng bỏ đi". Mới học lớp 2, rồi lớp 3, hắn đã trở thành một học sinh cá biệt. Hữu thường xuyên bỏ học. Những lần như thế, bà lại phải muối mặt lên tận trường để xin cho hắn được học tiếp. Tuy nhiên, mọi cố gắng của bà cũng chỉ như "muối bỏ bể" khi hắn chỉ học đến hết lớp 3 rồi nhất định không chịu đi học nữa.
Bỏ học ở nhà, Hữu lang thang đi đánh bi, chơi đáo với bọn trẻ cùng thôn. Lớn lên một chút, Hữu theo cánh thanh niên đi phu hồ, rồi bốc gạch thuê. Tưởng rằng lớn lên, khi xin đi làm, Hữu đã biết suy nghĩ nhưng sẵn bản tính chây lười, chỉ làm được một thời gian ngắn, hắn đã bị đuổi việc. Hơn nữa, cứ làm được đồng nào, hắn lại mua rượu, ăn nhậu cho bằng hết mà chẳng cần nhớ đến người mẹ già ở nhà đang phải cặm cụi kiếm từng đồng tiền lẻ mua cân gạo, gói muối.
Điều gì đến cũng đã đến. Chưa đầy 20 tuổi, Hữu trở thành một thanh niên nát rượu có tiếng của thôn Lý Hải. Cứ rượu vào là hắn chửi tất, chẳng chừa một ai. Ngay cả người mẹ sớm hôm tần tảo nuôi nấng mình, hắn cũng chẳng kiêng nể. "Mỗi khi về nhà là nó lại đá thúng, đụng nia, mặt nặng mày nhẹ, thậm chí nó còn rủa tôi là "con đ. già", đau đớn quá chú ạ. Những lúc như thế tôi chỉ nằm mà khóc một mình...". Khi Hữu lấy vợ, bà Gi. chỉ mong rằng: "Biết đâu khi lấy vợ, nó sẽ thay đổi tính nết, chí thú làm ăn nuôi vợ, chăm con". Nhưng niềm mong ước nhỏ nhoi đó của bà cũng chẳng thành hiện thực, bởi mỗi khi rượu vào, thằng con bất hiếu còn đánh bà mẹ già đáng thương của mình như cơm bữa.
Căm phẫn hơn, rất nhiều lần hắn còn dùng cả hung khí như dao, dây lưng, thậm chí cây củi để hành hung bà Gi.. Hắn coi bà chẳng khác gì người ăn nhờ ở đậu, đi làm về chưa có cơm ăn, hắn đánh. Không có tiền mua rượu, hắn cũng hành hung... Có lần bà Gi. đang nằm, hắn vô cớ lao tới xách tai bà ngược lên và cứ thế dùng tay mà tát, mà đấm túi bụi.
Chưa dừng lại ở đó, do mắc bệnh thấp khớp nên 4 năm nay bà Gi. phải nằm trên giường không thể đi lại vì đôi chân đã teo, dẫn đến bị liệt nửa thân. Chính vì bị như vậy nên bà Gi. càng sợ Hữu hơn, những lúc hắn rượu chè chửi đổng bà cũng chỉ biết nằm im nuốt nước mắt vào trong không dám hé nửa lời vì sợ hắn đánh.
Khoảng 20h ngày 26/11/2012, trong lúc bà Gi. đang nằm trên giường vì bại liệt, con dâu đi chơi, Hữu đã dùng vũ lực hành hung và dùng dép nhựa đang đi ở chân đập vào mặt, vào đầu bà Gi. mặc cho người mẹ tội nghiệp kêu khóc. Chỉ tới khi cô con dâu về mở cổng, hàng xóm mới ùa vào và đưa bà Gi. đi cấp cứu đồng thời gọi điện báo công an. Nguyễn Văn Hữu đã bị bắt ngay khi đó. Kết quả giám định, bà Gi. mất 16% sức khỏe.
Với hành vi đáng lên án, vi phạm nghiêm trọng đạo lý gia đình, xâm phạm đến sức khỏe của người đã nuôi dưỡng hắn khôn lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Mới đây TAND huyện Bình Xuyên đã mở phiên tòa xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Văn Hữu với tội danh "Cố ý gây thương tích". Vụ án đã thu hút đông đảo nhân dân xã Phú Xuân tham gia. Với hành vi nêu trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hữu 3 năm tù.
Quyết ở vậy nuôi con Ngày đi làm, tối về đến nhà lo cơm nước cho cô con gái, bà lại mang những lá thư của ông ra đọc với một niềm hy vọng, hy vọng người chồng của mình sẽ bình an. Thế nhưng, tất cả đã vụn vỡ khi một ngày cuối năm 1969, bà đã nhận được giấy báo tử của chồng mà một người bạn cùng đơn vị mang về. Đọc từng dòng chữ trên tờ giấy đó, bà đã chết lặng, hai hàng nước mắt cứ chảy dài ướt nhòe trang giấy. Thương hoàn cảnh vợ goá con côi, nhiều người đàn ông muốn xây dựng gia đình với bà nhưng bà quyết tâm ở vậy nuôi con. |
Nguyễn Bắc