Cảm phục nghị lực của 7 anh em mồ côi

Cảm phục nghị lực của 7 anh em mồ côi

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Bố mẹ mất, Nguyễn Đình Giáp trở thành trụ cột trong gia đình, chăm lo cho 6 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học.

Tận cùng bi ai

Căn nhà lụp xụp của 7 anh em Nguyễn Đình Giáp (SN 1986) ở xóm 4, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn (Nghệ An), không có vật gì giá trị ngoài cái bàn tiếp khách và chiếc giường cũ kỹ được kê ở góc nhà. Nói là nhà cũng không đúng vì đó chỉ là căn lều nhỏ được ghép từ những tấm gỗ, phía trên được lợp bằng lớp tôn. Từng đợt gió lạnh cứ rít, lùa vào từng hồi làm cho căn nhà tuềnh toàng hơn. Tuy mới 26 tuổi, nhưng trông Nguyễn Đình Giáp đã già hơn rất nhiều so với tuổi. Lấy chiếc mũ lá trên đầu xuống, Giáp khẽ cười trừ ái ngại vì sự thiếu thốn của gia đình mình.

Trước đó, gia đình ông Nguyễn Khánh Trí (SN 1963) luôn nằm trong tốp những hộ nghèo đói của xã. Ruộng ít, trong khi đó gia đình có tới 7 người con, cuộc sống nghèo đói cứ đeo bám theo họ như vòng luân hồi. Lo cho đứa này được cái quần, cái áo thì đứa khác lại đòi có bằng được.

Pháp luật - Cảm phục nghị lực của 7 anh em mồ côi

Ước mơ để thoát nghèo là động lực để 7 anh em cố gắng học tập

Năm 2001, tai họa ập xuống gia đình Giáp khi người mẹ đã ra đi đột ngột sau một lần đau ruột thừa. "Nửa đêm mẹ kêu đau bụng dữ dội, bố con chúng tôi lại không biết mẹ bị đau ruột thừa nên bà đã ra đi khi đang trên đường đi cấp cứu", Nguyễn Đình Giáp nói và cố giấu đi những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Thời điểm đó, người con út còn 5 ngày nữa mới đủ 2 tháng tuổi. Đám tang diễn ra trước sự đau khổ tột cùng của bố con ông Trí và những người họ hàng, láng giềng. Nhìn cảnh đàn con nhỏ xếp hàng đưa tang mẹ ai cũng không cầm được nước mắt. Tội nghiệp nhất vẫn là hình ảnh đứa bé nhỏ chưa đủ 2 tháng tuổi nằm ngơ ngác, khóc thét lên vì khát sữa.

Từ đó, hàng ngày ông Trí phải bế con đi khắp xóm để xin bú nhờ. Nhiều người thương tình cho hộp sữa hay đồng tiền lẻ để cha con nuôi nhau sống qua ngày. Đến khi đứa nhỏ được 8 tháng tuổi, những hộp sữa cũng thưa dần vì cha con kiếm tiền không đủ nuôi gia đình. Bé được sống nhờ những bát cơm nhai của người bố và các anh chị. Thương bố, thương các em, Nguyễn Đình Giáp lúc đó gần thi tốt nghiệp lớp 9 nhưng đã âm thầm nghỉ học. Thấy vậy, thầy cô, bạn bè liền đến động viên, khuyên nhủ. Giáp tiếp tục vác sách đi học. Sau khi tốt nghiệp cấp 2 xong, anh đã bỏ học hẳn để ở nhà phụ giúp bố và đi làm thuê kiếm tiền.

Thế nhưng, năm 2011, người bố cũng vĩnh viễn ra đi để lại đàn con đang tuổi ăn, tuổi học. Thì ra, dù biết mình mắc bệnh từ lâu, nhưng biết đó là bệnh hiểm nghèo, không thể chữa trị được nên ông Trí đã im lặng chịu đựng một mình. Đến khi không thể cầm cự được nữa, ông mới nói ra cho con cái biết thì đã quá muộn. Lúc đầu, anh em chúng tôi đều giận bố vì không cho chúng tôi biết sớm, thế nhưng nghĩ lại tất cả chỉ vì bố quá thương con cái, Giáp nói trong nước mắt.

Căn nhà đã tồi tàn vì nghèo khó nay càng u ám hơn khi không khí tang tóc bao trùm gia đình. 7 anh em chỉ biết ôm nhau đứng trước bàn thờ bố mẹ mình, những giọt nước mắt cứ tuôn trào khiến không ai cầm được lòng. "Chúng em tự hứa với lòng mình sẽ yêu thương, đùm bọc nhau, cùng học tốt để thành người", Nguyễn Thị Hương Giang (người em thứ 3 của Giáp) nói.

Khó nhọc anh mang

Mặc dù, lúc đó Giáp đã có gia đình riêng, nhưng từ khi bố mất anh đã chuyển hẳn về nhà để tiện chăm sóc cho các em. Thương em nhưng Giáp chỉ biết động viên các em học hành tử tế để sau này có cuộc sống tốt hơn mà thôi.

Pháp luật - Cảm phục nghị lực của 7 anh em mồ côi (Hình 2).

Anh em Giáp trong căn nhà nhỏ khi bố mẹ đều vĩnh viễn ra đi

Giáp kể: "Nhà chỉ có 1 sào đất và 1,5 sào ruộng, làm không đủ ăn chứ chưa nói là để lo cho các em. Để nuôi các em ăn học Giáp đã mạnh dạn khoán thêm nhiều ruộng đất để cấy lúa. Sau đó, cố gắng nuôi con gà, con lợn kiếm thêm thu nhập. Không những vậy, Giáp còn đi làm thuê đủ nghề như đi phụ hồ, bóc vỏ keo, chặt củi, cày thuê, cõng gạch. Hễ có người thuê là Giáp làm, bất kể thời gian và thời tiết. Nhiều hôm đi làm về, nhà không còn gạo để nấu cơm, anh em chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc”, Giáp nói trong nước mắt.

Thương anh, người em gái thứ 3 là Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1992) đã bỏ học, âm thầm vào miền Nam đi làm thuê để phụ anh cùng nuôi các em. Khi biết Giang bỏ học đi làm thuê, Giáp đã gọi các em lại và cấm từ nay trở đi không được ai bỏ học. Biết ý anh, các em của Giáp đều nỗ lực, phấn đấu học tập.

Hiện nay, em Nguyễn Thị Dung đang học năm cuối tại trường Đại học kinh tế Đồng Nai. Còn Hương Giang ngoài việc đi làm thuê cũng đang theo học trường trung cấp kinh tế. "Tội Dung lắm, biết phận gia đình nghèo nên vừa học nó vừa đi làm thêm ngày đêm để lo chi phí học tập, sinh hoạt. Học xa nhà nhưng đến tết em cũng không dám bắt xe về quê mà ở lại đi làm thêm", Hương Giang nói về đứa em của mình. Chỉ khi người bố mất năm 2011, Dung mới hốt hoảng bắt xe về quê để gặp bố lần cuối. Đó cũng là lần về quê thăm gia đình đầu tiên của cô bé sau mấy năm trời đi làm thuê và đi học đại học ở nơi đất khách quê người.

Người em thứ 5, Nguyễn Quốc Sang (SN 1994) trong kỳ thi đại học vừa rồi đã đạt được số điểm khá cao, nhưng Sang vẫn quyết định ở nhà. Sang nói: "Năm nay em ở nhà làm keo, đi phụ hồ, làm gạch cùng anh để có tiền sang năm đi thi. Qua năm em mới bắt đầu ôn thi, em sẽ cố gắng thi đỗ vào trường quân sự để không phụ lòng anh và cho anh đỡ khổ. Nhà em nghèo nên em không muốn học ở các trường khác vì không có tiền đóng học phí".

Hai em út là Nguyễn Thị Trang (SN 1998) đang là học sinh lớp 9, em Nguyễn Thị Quỳnh Như (SN 2001) đang học lớp 6, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai em đều phấn đấu để học tốt. Một buổi đi học, buổi còn lại chị em lại dắt nhau đi mót củ khoai, hay bắt con cua, con ốc về cải thiện bữa ăn cho gia đình. "Em lớn lên, nhưng không thấy bố mẹ đâu cả. Anh em chúng em chỉ biết nương tựa vào nhau để sống thôi", bé Như vừa nói vừa nhìn lên di ảnh của bố mẹ.

"Tội nghiệp chúng nó lắm cô ơi, đúng là "mồ côi trải lá mà nằm". Ở xã này, 7 anh em nhà nó chưa biết đến cái sướng là gì. Nhất là đến dịp Tết, khi mọi người đi mua sắm thì 7 anh em nhà nó chỉ gói vài cái bánh để thắp hương bố mẹ thôi. Cái khổ mà chúng phải gánh chịu đúng là tận cùng rồi", ông Nguyễn Văn Hài, Bí thứ chi bộ xóm 4 nghẹn ngào.

Kim Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.