Chiều 30/6, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM về yêu cầu chỉnh sửa quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của cục Văn hóa cơ sở, bộ VH,TT&DL đang gây tranh cãi.
Trước quyết định yêu cầu Coca Cola chỉnh sửa quảng cáo vì không hợp thuần phong mỹ tục của các cơ quan thuộc bộ VH,TT&DL, xin ông cho biết đánh giá chung của mình dưới góc nhìn quản lý văn hóa?
Theo tôi, quyết định của cục Văn hóa cơ sở là thiếu cơ sở văn hóa lẫn pháp lý. Thậm chí là hoàn toàn chủ quan, suy diễn và áp đặt. Trong trường hợp này, chữ “lon” là từ chỉ mang nghĩa đen, không chứa đựng nghĩa hàm ẩn. Người đọc ít có cơ sở suy ra hay liên tưởng tầng nghĩa thứ 2, nghĩa biểu tượng của từ.
Thông qua báo chí, cán bộ cục Văn hóa cơ sở trình bày là do lo sợ người ta thêm dấu thành chữ khác. Nhưng tại sao cứ phải thêm dấu để thành ý nghĩa tục tĩu? Nếu giả định có thêm dấu trên các biển quảng cáo ngoài trời thì giải pháp của các cấp quản lý văn hóa là gì?
Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học cũng đồng ý với quyết định của bộ VH,TT&DL vì “Việt Nam” là tên đất nước, không thể ghép với “lon”, cụm từ "lon Việt Nam" cũng vô nghĩa và thiếu tôn trọng một quốc gia. Quan điểm của ông ra sao?
Trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung, muốn thuyết phục dư luận thì phải đưa ra được giải pháp chứ không phải cấm. Trong khi, có nhiều trường hợp quảng cáo đã bị sửa sai nghĩa ban đầu, không chỉ là tục mà có khi cả phản động nữa thì cục Văn hóa cơ sở đã có chế tài gì hay chưa. Và nếu không giải quyết căn cơ thì ngành văn hóa sẽ không thể xử lý triệt để nếu có trường hợp tương tự diễn ra sau này.
Còn bàn về ý kiến của các nhà ngôn ngữ học đối với tên đất nước, nếu nói từ ngữ nào được phép gắn với tên đất nước thì cần xem lại nhiều từ ngữ nữa từ trước đến nay. Không thể tùy tiện từ hiện tượng này mà đưa ra quan điểm và xem đó là pháp lý. Hơn nữa, nếu xem xét góc độ hình ảnh, trường hợp dùng hình ảnh có điểm tương đồng với quốc kỳ thì sẽ xử lý ra sao?
Như vậy, có phải giữa cán bộ quản lý văn hóa và doanh nghiệp thực hiện quảng cáo đang có “độ lệch” trong góc nhìn hay không, thưa chuyên gia?
Trong thực tế đối với lĩnh vực quảng cáo, ý kiến của cán bộ quản lý văn hóa rất quan trọng trong việc kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng 2 bên không có tiếng nói chung rất thường xảy ra. Các doanh nghiệp hay cho rằng cán bộ quản lý có trình độ yếu kém, không giỏi ngoại ngữ nên từ chối phê duyệt không thuyết phục. Thậm chí, lý giải “vi phạm thuần phong mỹ tục” được cho là mập mờ, dễ bị lạm dụng.
Tuy rằng quyết định của mỗi ngành là khác nhau nhưng vẫn có mối quan hệ liên ngành. Văn hóa vốn lại không tự thân nên mỗi quyết định khi ban hành phải chứa đựng sự bao hàm của nhiều tri thức, phản ánh trình độ của cơ quan quản lý mà quyết định đang gây tranh cãi cũng không phải là ngoại lệ. Ngành quảng cáo hay quản lý văn hóa đều cần có sự hài hòa về lợi ích. Sự hài hòa về lợi ích chính đáng sẽ là mục đích cho cả 2 bên.
Cuối cùng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng nhanh chóng, văn hóa nước ngoài xâm nhập mạnh mẽ vào xã hội thì vai trò phê của quản lý văn hóa phải nhìn nhận như thế nào? Liệu có quy chuẩn gì để hội nhập nhưng không hòa tan, giữ gìn nhưng không bảo thủ hay không?
Chúng ta cần bảo vệ bản thân, bản sắc văn hóa của riêng mình nhưng cũng rất cần có nhiều dòng chảy, làn gió mới từ bên ngoài. Cán bộ quản lý văn hóa cần học cách thích nghi để làm việc trong môi trường văn hóa đương thời. Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết mình đã am tường văn hóa tới đâu. Nếu không hiểu mình, không hiểu người thì làm gì cũng khó, huống gì làm văn hóa.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!