Hơn 2 tuần nay, hàng nghìn quả cam của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bất ngờ rụng xuống la liệt khắp vườn. Có cây thậm chí không còn quả nào trên cành.
“Gia đình tôi có 2ha cam, thì hơn một nửa bị rụng xuống trong khi sắp đến thời gian thu hoạch. Hiện chúng tôi chưa thống kê thiệt hại nhưng chắc chắn số tiền không nhỏ. Bởi, chi phí giống, phân bón,… cho vườn cam khoảng 200 triệu rồi”, anh Lâm thở dài.
Chỉ trong thời gian ngắn, những quả cam này hư hỏng và bắt đầu bốc mùi, vì vậy vợ chồng anh phải thay nhau ra nhặt để chôn lấp. Mấy ngày nhặt không xuể, anh Lâm đành tiếc nuối hái cam non bán cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg để vớt vát chút tiền phân bón.
Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân ở “thủ phủ” cam Vinh tại huyện miền núi Quỳ Hợp này. So với các năm trước, năm nay cam rụng nhiều gấp 2 - 3 lần. Điều đau lòng là những cây cam có thời gian kinh doanh càng lâu thì lượng quả rụng càng lớn.
Mặc dù cam bị rụng nhiều nhưng các hộ trồng cam vẫn không có giải pháp gì bởi vào thời điểm cam chuẩn bị xuất bán nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật can thiệp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Lam, trú xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp cho hay, vườn cam rộng hơn 1ha của gia đình sắp thu hoạch nay bỗng nhiên rụng không hiểu lý do. Như các năm trước, thời gian này mới đầu mùa và đến tháng 11 âm thì cam chín rộ. Nhưng đến giờ cam đã chín rụng hơn một nửa, dẫn đến việc nhiều gia đình chắc chắn sẽ thua lỗ.
“Năm nay gia đình tôi vay hơn trăm triệu để chăm sóc các gốc cam. Không hiểu vì sao sắp thu hoạch cam lại rụng đầy vườn. Cuối năm nay làm sao trả nợ cho ngân hàng đây...”, chị Lam buồn bã cho hay.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết, xã có 200 hộ trồng cam với hơn 1.700 ha. Nếu cam được mùa và không bị bệnh mỗi gia đình có thể thu về hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên vụ này chắc chắn không ít người lâm cảnh trắng tay.
“Chúng tôi đã báo cáo cho các cơ quan chức năng. Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra và đang tìm các biện pháp hỗ trợ người dân”, ông Quang nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Quán Vy Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳ Hợp cho hay, nguyên nhân cam rụng là do bị ngâm nước lâu ngày, khiến rễ cây bị tổn thương.
“Năm nay do thời tiết thất thường, mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến cây cam. Còn những cây chín vàng rồi rụng dần thì do kỹ thuật chăm sóc hay cây quá già rồi, không đủ dinh dưỡng để cho quả nữa”, ông Giang nói.
Giai đoạn thu hoạch nên rất khó áp dụng các biện pháp can thiệp từ thuốc để khắc phục thực trạng này. Vì vậy, trước mắt cán bộ phòng Nông nghiệp đã hướng dẫn bà con nông dân cách thoát nước nhanh, tiêu úng để giảm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, giảm bớt thiệt hại trong sản xuất.
Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 5.000ha cam, chủ yếu là giống Xã Đoài, Vân Du, Sông Con, trong đó một nửa ở độ tuổi thu hoạch. Nếu cam được mùa sẽ cho sản lượng khoảng 25.000 - 30.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay mưa bão liên tiếp nên nhiều khả năng hàng nghìn quả cam sẽ rơi rụng trong thời gian tới.