Cẩm Vân: Tôi thấy tổn thương cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Cẩm Vân: Tôi thấy tổn thương cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Hà Thị Linh

Hà Thị Linh

Thứ 6, 14/04/2017 08:41

Là người gắn bó với nhạc Trịnh, Cẩm Vân đã chia sẻ chân tình về vấn đề, 3 ca khúc của cố nhạc sĩ tài hoa bị tạm dừng phổ biến trong một đêm nhạc Nối vòng tay lớn sẽ được tổ chức tại Huế vào ngày 21/4.

Thông tin đêm nhạc Nối vòng tay lớn do đại học Y dược Huế kết hợp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra vào ngày 21/4 gặp khó khăn trong việc xin phép biểu diễn, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo phản ánh của đơn vị tổ chức đêm nhạc, họ gặp một “cản trở”, đó là có 4 ca khúc trong chương trình không nằm trong danh mục bài hát sáng tác trước 1975 được cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cấp phép phổ biến. Các ca khúc này gồm: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ.

Theo đó, trong danh mục các bài hát sáng tác trước 1975 được phép phổ biến do cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố trên website, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 70 bài hát đã được cấp phép. Trong 70 bài được cấp phép này, không có 4 bài mà chương trình tại Huế dự kiến sẽ biểu diễn. Mặc dù, đó là những ca khúc đã được hát trong rất nhiều chương trình của Trịnh Công Sơn trên toàn quốc suốt những năm qua. Thông tin này khiến nhiều người bức xúc, vì đây đều là những ca khúc được công chúng biết đến và yêu thích. Trong đó, ca khúc Nối vòng tay lớn không chỉ nhiều lần được trình diễn trên sân khấu, truyền hình mà thậm chí được giảng dạy trong sách giáo khoa của học sinh phổ thông cơ sở.

Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, đến ngày 12/4, cục Nghệ thuật Biểu diễn mới chỉ "cởi trói" cho ca khúc Nối vòng tay lớn, 3 ca khúc còn lại vẫn đang bị tạm dừng phổ biến.

Trước câu chuyện đang gây tranh cãi, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Cẩm Vân – một trong những người hát thành công nhạc Trịnh để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Ngôi sao - Cẩm Vân: Tôi thấy tổn thương cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ca sĩ Cẩm Vân ghi dấu ấn sâu đậm với âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Từng thu âm album Huế - Sài Gòn – Hà Nội, ca sĩ Cẩm Vân suy nghĩ gì trước thông tin 3 ca khúc Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ không được phép biểu diễn trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn dự kiến tổ chức vào ngày 21/4?

Những ca khúc bất hủ này của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay đã được nhiều ca sĩ thể hiện và làm album. Bản thân tôi cũng ra album chủ đề Huế - Sài Gòn – Hà Nội vào năm 2000. Đặc biệt, trong album đó, tôi đã hát hai ca khúc để đời của anh Sơn là Ca dao mẹ, Nối vòng tay lớn.

Thực sự, tới giờ phút này, tôi cũng không hiểu tại sao lại xảy ra chuyện tạm dừng phổ biến 3 ca khúc này trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn ở Huế sắp tới. Bởi lâu nay, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Ca dao mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ đã nằm trong kho tàng âm nhạc quý giá của Việt Nam và đã nằm lòng biết bao thế hệ khán giả yêu nhạc Trịnh.

Đối với một ca sĩ từng hát khá nhiều nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi cảm thấy tổn thương thay cho người nhạc sĩ tài hoa và gia đình anh ấy. Hơn nữa, nếu những ca khúc này bị tạm dừng thì thực sự, đây là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Để xảy ra vấn đề gây nhiều tranh cãi này, có thể nói, đây là cách làm việc không chặt chẽ, không khoa học của bộ máy quản lý.

Gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị cảm nhận như thế nào về con người của ông và dòng nhạc Trịnh?

Có thể thấy, nhạc của Trịnh Công Sơn rất dễ đi vào lòng người, ca từ sâu sắc, triết lý. Tôi cảm giác nhạc Trịnh như một cuốn từ điển mới, bởi có những từ ngữ anh Sơn viết trong bài hát mà từ điển không có. Đặc biệt, mỗi khi hát nhạc Trịnh, tôi luôn cảm nhận được, những lời mà anh Sơn viết ra rất ý nghĩa và dạy cho mình phải trân trọng cuộc sống này từng giây, từng phút.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người rất hiền từ, rất hiếm khi thấy anh ấy giận hờn ai. Tôi vẫn còn nhớ như in, mỗi khi gặp rắc rối hay chuyện không vui, anh Sơn vẫn rất dễ thương. Anh ấy chỉ mỉm cười và nói một câu “Thôi kệ!”.

Trải qua những ngày tháng hạnh phúc nhất và đau khổ nhất, ca sĩ Cẩm Vân cảm nhận được nhạc Trịnh ảnh hưởng thế nào tới cuộc đời mình?

Tôi thích nghe nhạc Trịnh những lúc trời mưa, bởi khi đó, tôi cảm nhận được nhạc Trịnh hay nhất và hợp với khung cảnh. Đặc biệt là những lúc bản thân đang buồn hay vui, tôi lại hát một vài câu nhạc Trịnh, thói quen đó như ngấm vào máu rồi.

Nhạc Trịnh ai cũng có thể hát, nhưng không phải ai cũng thành công với dòng nhạc này, đặc biệt là các ca sĩ trẻ hiện nay? Vậy, theo ca sĩ Cẩm Vân, điều gì là quan trọng nhất với một nghệ sĩ khi hát nhạc Trịnh?

Thực ra, chuyện sáng tác của nhạc sĩ hợp với ca sĩ thể hiện luôn là một điều rất tự nhiên trong âm nhạc. Nhạc Trịnh rất đặc biệt, bởi ai cũng có thể hát được. Bản thân tôi không dám nhận mình hát thành công nhạc Trịnh, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng, bản thân mình là người tiếp nối thế hệ nhạc Trịnh và may mắn được khán giả yêu mến, đón nhận.

Riêng đối với nhạc Trịnh, bản thân người thể hiện phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống mới “đủ vốn” để truyền tải được. Với ca sĩ trẻ, có thể họ chưa đủ độ chín muồi trong cuộc sống, nên tìm được một người hát nhạc Trịnh nghe được là mừng rồi. Bởi, các bạn trẻ không sống trong thời điểm nhạc sĩ sáng tác ca khúc nên khán giả cũng không thể đòi hỏi ở họ sự thể hiện hoàn hảo.

Xem thêm >>> Ngô Thanh Vân nói gì khi lọt top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam?

Hà Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.