Biển chỉ dẫn lệnh cấm xe máy và xe thô sơ tại đoạn đầu Pháp Vân chỉ là hai tấm biển nhỏ bé và đặt lùi sâu chừng hơn 10m. Trên hướng lưu thông từ đường Giải Phóng ra đầu đường Pháp Vân không hề có một biển báo hay biển hướng dẫn.
Tấm biển cấm nhỏ bé được đặt ở đầu đường Pháp Vân
Theo quan sát của PV chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ đã có hàng trăm chiếc xe “vô tư” đi ra hướng đường Pháp Vân và lại lúi húi quay lại. Nhiều người tỏ ra vô cùng ngơ ngác và bỡ ngỡ khi không hiểu sao mình đang đi đúng luật thì lại bị lực lượng chức năng tít còi.
Thanh tra giao thông hướng dẫn người đi đường (Ảnh: Infonet)
Chú Trần Văn Sơn (Giao Thủy, Nam Định) làm nghề xe ôm ở đầu đường Pháp Vân cho hay, trong hai ngày đầu mới bắt đầu thực hiện lệnh cấm, lúc nào cũng diễn ra cảnh nhốn nháo đi vào đi ra. Có lẽ nhiều người không theo dõi được thông tin cấm trên các phương tiện đại chúng, hoặc đi đến gần đây thì mới nhớ ra là đường đã cấm xe.
Trong những ngày đầu lực hiện lệnh cấm, cảnh sát và thanh tra giao thông đã phải vô cùng vất vả để hướng dẫn người dân đi đúng đường. Các trường hợp đi sai đều chỉ bị nhắc nhở, tuyên truyền chứ không bị phạt.
Theo phương án phân luồng, từ ngày 1/2, xe máy và các loại xe thô sơ sẽ không được lưu hành trên tuyến cao tốc Pháp Vân (Quốc lộ 1B) nữa mà sẽ đi theo Quốc lộ 1A đoạn từ Giải Phóng - Ngọc Hồi - Thường Tín (Hà Nội) đến điểm Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên - tỉnh Hà Nam). Mục đích cấm các phương tiện xe thô sơ lưu hành trên tuyến cao tốc Pháp Vân nhằm đảm bảo an toàn lưu thông. Các xe tải trên 3,5 tấn bị cấm chạy trên Quốc lộ 1A từ 6h - 21h hàng ngày, thay vào đó đi trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Những xe tải cần đi trên Quốc lộ 1A phải có giấy phép của Sở Giao thông Vận tải hoặc Phòng cảnh sát giao thông. Các loại ô tô lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phải tuân thủ tốc độ chạy xe từ 80 km đến 100 km/h tại làn 1 (gần dải phân cách) và 50 km đến 80 km tại làn 2; làn 3 dành cho xe dừng khẩn cấp. |
Xuân Hà