Sợ chạm phải ánh mắt bọn trẻ mỗi khi... bắt bố mẹ chúng
Phiên tòa khép lại, bản án đã được tuyên. Người chồng mang án tử hình, em vợ mang án tử hình và người vợ nhận mức án tù 20 năm... Cả đại gia đình kéo nhau vào tù, chỉ còn lại là những đứa trẻ bơ vơ khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Không khí phòng xử nặng trĩu, ngồi ở hàng ghế cuối cùng có một ánh mắt cũng rơm rớm buồn. Ánh mắt ấy là của nữ trinh sát đã tham gia vào trận đánh. Chị, chính là người khóa tay người vợ trong trận đánh đêm mưa ấy. Chị, là người đếm số hàng ma túy mà cả 2 vợ chồng vận chuyển, buôn bán. Và rồi, chị cũng là người đối mặt với hiểm nguy khi người chồng giương súng bắn trả cả đội hình vây bắt... Nhưng giờ phút này, khi bản án đã tuyên, lòng chị lại trĩu nặng một nỗi buồn, thương cho bọn trẻ con và những trăn trở: "Rồi đây, chúng biết đi đâu, về đâu?!".
Đứa bé tội nghiệp này cứ lủi thủi một mình, mong ngóng người thân sẽ sớm trở về.
Dường như, đó là tâm lý chung của toàn chị em làm trinh sát C47 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý), trận tuyến nào cũng đầy cam go và thử thách, chuyên án nào cũng đối đầu với hiểm nguy. Mỗi lần chuẩn bị "ra trận", tiếng cành cạch của súng và khóa số 8 va vào nhau là thứ âm thanh quen thuộc của chị em trinh sát ở đây. Nhưng có lẽ, khi đối đầu với súng đạn, với những ông trùm ma túy khét tiếng Bắc - Nam... chúng tôi cũng không cảm thấy hoang mang, lo sợ bằng đối diện với ánh mắt của bọn trẻ mỗi lần đến khám xét và khóa tay người thân của chúng.
Lần nào, trước giờ phá án ai cũng tràn đầy khí thế. Phá án thành công là nỗi mừng vui khôn xiết trong sự an toàn và thành quả, nhưng lắng lại phía sau, chúng tôi đều mang một cảm giác man mác buồn. Người đàn bà nào phạm tội về ma túy, khi bị bắt, cái xin đầu tiên trước khi bị khóa tay cũng là câu: "Cho em được ôm con em một lần được không?". Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi bị bắt thì cái lo lắng, thấp thỏm của những người đàn bà phạm tội đều giống hệt nhau, đều "canh cánh về những đứa con thơ dại của mình...".
Người lớn phạm tội, trẻ con chịu khổ
Còn nhớ, trong Chuyên án 811L do đơn vị chúng tôi phá một đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh, đa phần các đối tượng đều là những bà mẹ trẻ. Trong đó, có Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1986. Phúc gửi đứa con 6 tháng tuổi ở nhà để tham gia đường dây này. Trước khi lên đường, chị ta chỉ định đi 2 ngày, xong việc rồi trở về với con. Nhưng có ai ngờ, người mẹ trẻ giờ đây có thể phải đi từ 15 đến 20 năm mới trở về... Hay, trường hợp của Đặng Hà Thu, sinh năm 1986, khi bị bắt, Thu có 2 con nhỏ, đứa lớn mới 4 tuổi, còn đứa bé thì chưa đầy 19 tháng. Thời điểm đó, bố chồng Thu và chồng chị ta cũng đang thụ lý án ma túy trong trại giam. Giờ, Thu lại đi tiếp, chỉ còn bà mẹ chồng và 2 đứa trẻ trong căn nhà vắng lặng.
Nữ trinh sát trẻ Nguyễn Thị Ng. trong một lần đi công tác vùng cao.
Tôi vẫn nhớ những hình ảnh khi đến khám xét nhà đối tượng Lại Thúy Quỳnh trong chuyên án 811L. Quỳnh sinh năm 1979, chưa có gia đình riêng, nhưng khi chúng tôi đặt chân vào căn phòng tập thể cũ nát chưa đầy 40m2, người cha già hơn 70 tuổi tay run run, mắt rơm rớm nước. Ông bất lực đứng nhìn con tra tay vào còng số 8. Mẹ Quỳnh nằm liệt giường đã 4 năm, người anh trai cũng đang thụ lý án ma túy. Giờ đây, Quỳnh đi rồi, căn nhà vốn vắng lặng nay lại càng thêm đìu hiu hơn. Chữ "hiếu" biết đặt nơi đâu?
Trong Chuyên án 110Đ, lúc khóa tay bà chủ đường dây mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp Đoàn Thị Thúy Hồng (SN 1968), thị vội vàng ôm 2 đứa con gái vào lòng. Hồng gào khóc xin lỗi các con. Đau lòng hơn là trường hợp của đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Điệp (SN 1976). Điệp là đại lý lớn trong đường dây ma túy này. Lúc bị bắt, Điệp đang mang bầu. Thị tự tin vào chính sách khoan hồng của Nhà nước với những người phạm tội đang mang thai và nuôi con nhỏ. Chính vì thế, thị ngang nhiên hoạt động phạm pháp, thách thức cán bộ. Nhưng, với sự nghiêm khắc của pháp luật, Điệp vẫn phải ngồi tù. Điệp sinh con trong trại giam, trong sự thiếu thốn về vật chất lẫn tình cảm. Đứa trẻ lẽ ra được sinh ra trong vòng tay ấm áp của ông bà, cha mẹ thì giờ đây vì tội lỗi của người lớn, của những người mẹ như Điệp đã để con mình chào đời trong sự lạnh lẽo của nhà tù. Ôm con trong tay, liệu Điệp sẽ nghĩ gì?
Hay, trong chuyên án phá tụ điểm ma tuý ở Thanh Nhàn, Hà Nội cách đây vài năm chúng tôi cũng đã chứng kiến những cảnh ngộ thật xót xa. Trong vụ án này, Cao Thị Lan đóng vai trò cầm đầu. Sau khi Lan bị bắt thì Nguyễn Mạnh Hùng là con trai chị ta, lúc đó đang học lớp 11 đã phải bỏ học để ở nhà thay mẹ điều hành, sắp xếp lại đường dây. Cuối cùng, tội lỗi của Hùng cũng nhanh chóng bị phát giác, Hùng sa lưới pháp luật. Sau này, khi xét xử, cả hai mẹ con Lan đều phải nhận mức án cao. Lúc bắt cậu ta, trong lòng chúng tôi cứ băn khoăn một câu hỏi: "Không biết Cao Thị Lan có ý thức được rằng, tội lỗi của Hùng bắt nguồn từ đâu?".
Cái giá phải trả cho tội phạm ma túy, các phạm nhân nữ ngoài trả bằng những tháng ngày bóc lịch trong trại giam, tôi tin rằng, với bản năng của một người làm mẹ, họ sẽ dằn vặt hàng đêm vì thương nhớ con, vì những hối hận muộn màng vì những gì con mình phải gánh chịu do lỗi của người lớn gây ra. Họ sẽ lo lắng, biết đâu giờ này, những đứa trẻ vẫn đang lang thang ngoài xã hội, không biết đi đâu về đâu khi bố mẹ, ông bà vẫn còn đang đếm từng ngày trong trại giam. Giá như, trước khi phạm tội, họ cũng nghĩ được đến điều này! Giá như họ hiểu được hậu quả của những việc mình làm và hệ lụy của nó cho cả một thế hệ sau phải gánh chịu. Tôi tin rằng họ sẽ chùn tay trước khi nhúng chàm.
Có hàng loạt những trăn trở lo âu và khó khăn khi phụ nữ làm án mà chị em trinh sát phải trải qua. Đó là những mơ ước thường nhật cho một cái Tết đoàn viên. Mong có những buổi chiều yên ả để được về sớm đón con tan học như bao người phụ nữ khác. Ước có 360 ngày trong năm, đêm nào cũng được nằm ngắm con ngủ. Rồi, lại mong cho những đứa trẻ ngoài kia không còn cảnh nước mắt ngắn dài chạy theo chiếc xe thùng chở người thân của chúng đi mãi chưa biết ngày về... Giá như, ma túy không tràn về và những người mẹ phạm tội kia không có cái ích kỷ cá nhân, nhận thức được hành vi việc làm của mình thì con chúng tôi và những đứa trẻ của họ luôn được bố mẹ dành trọn vẹn thời gian cho những hạnh phúc đủ đầy.
Rồi ngoài kia, nắng lại lên cho một mùa xuân mới, niềm hăng say nghề nghiệp vẫn cứ ngập tràn trong lòng. Và những đứa trẻ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vô tư, hào hứng đón nhận mùa xuân cuộc đời. Chúng xứng đáng được yêu thương.
Một đêm mưa lạnh...! Nhận lệnh, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Xót xa trước những cảnh ngộ đau lòng Chúng tôi tham gia các trận đánh, ngồi dự những phiên toà, chứng kiến nhiều cảnh ngộ đau lòng mà cảm thấy thật xót xa. Những hình ảnh đó như những lưỡi dao rạch vào tận tim những người làm mẹ như chúng tôi. Rồi, có lúc, chúng tôi chợt chạnh lòng nhớ đến bọn trẻ con nhà mình. Mẹ lên đường đi làm đã 2, 3 ngày nay chưa về. Trời rét, ai lo cho con cơm nước, học hành... Rồi, lại nhớ đến những hôm con ốm nằm viện, nhận lệnh lên đường mà lòng thấy bất an, lo lắng. Tuy nhiên chúng tôi lo lắng trong hạnh phúc. |
Tùng Lâm - Chí Công