Kỷ niệm khó phai
Trong những ngày cận kề xuân Kỷ Hợi 2019, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã được lắng nghe những tâm sự chất chứa nỗi niềm của một người con xa quê hương đã lâu. Chị là Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1970, là một hotface với những bài chia sẻ kinh nghiệm, công thức làm các món ăn - Food blogger Liên Ròm), hiện đang sinh sống cùng 2 con và chồng tại nước Anh.
Khi gợi nhắc về việc đã bao lâu chị Kim Liên không được về quê nhà Việt Nam ăn Tết, lòng người phụ nữ này như nghẹn lại. Bởi, có lẽ những ngày không khí xuân đang rộn ràng mà bản thân không thể về Việt Nam đón Tết cùng người thân quả là điều hụt hẫng.
Chị Kim Liên tâm sự: “Tính tới năm 2019 là 18 năm tôi ăn Tết xa xứ rồi. Vì thế, mỗi khi đến Tết thì cảm xúc mỗi năm mỗi khác. Tôi còn nhớ hồi đầu mới sang nước Anh, tôi bận rộn con cái nên không nhớ nhiều đến Tết. Nhưng khi các con lớn dần thì tôi thấy cần phải cho con hướng về cội nguồn. Vì vậy tôi bắt đầu kể cho con nghe về Tết, về bánh tét bánh chưng, về lì xì, hoa mai, hoa đào đón Tết…”.
Chưa năm nào quên đón giao thừa
Những năm đón Tết xa xứ, chị Kim Liên cho hay có những kỷ niệm đón giao thừa tại Việt Nam mà bản thân chị không bao giờ quên được.
18 năm xa quê hương, nhưng cũng ngần ấy thời gian chị Kim Liên cùng chồng và các con chưa khi nào quên đón khoảnh khắc giao thừa.
Nói về ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có gì khác với ngày Tết ở nước ngoài, chị Kim Liên cho hay không khó để nhận ra.
“Tết ở nước ngoài khác Tết ở Việt Nam là mọi người vẫn đi làm, chỉ có tụ tập lại cuối tuần cùng nhau. Anh chị em hỏi lịch của chùa làm lễ đón giao thừa, đón Tết như thế nào để về quây quần.
Hàng năm, cứ mỗi khi đến giao thừa tôi cũng làm lễ cúng. Hai vợ chồng tôi ngồi uống trà tâm sự với nhau qua 12h đêm (giờ Anh) rồi đi ngủ. Những món ăn truyền thống của Việt Nam ngày Tết tôi cũng không làm nhiều, nhưng có những món phải làm như: Thịt kho tàu, thịt kho măng, dưa giá, bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, tôm khô, chả lụa, nem chua. Cũng có khi tôi chuẩn bị khổ qua nhồi giò sống cho anh chị em trong nhà.
Món mà tôi thích nhất là món mứt chùm ruột chứ không phải món mặn ngày Tết. Tôi ăn chay nên cứ Tết là nấu bún chay, hủ tiếu chay và tôi thích hai món này trong ngày Tết nhất”, chị Kim Liên chia sẻ về việc đón giao thừa tại nước ngoài.
Nói về những dự định đón Tết tại Việt Nam sau tháng ngày xa quê, chị Kim Liên vẫn mong một ngày gần nhất có thể về bên gia đình dịp Tết. Nhưng, Tết Nguyên đán 2019 thì chị lại không thể về.
Chị Kim Liên tâm sự: “Thời khắc giao thừa ở Việt Nam thì ở nước Anh vẫn đang là buổi chiều đi làm, sau này nhờ có facebook mọi người cập nhật tình hình đón giao thừa ở quê nhà Việt Nam nên tôi cũng thấy vui hơn, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà”.
Dù xa quê nhưng những nét văn hóa, phong tục tập quán của người Việt vẫn luôn được người phụ nữ này lưu giữ. Chị bảo, dù đi đâu, ở đâu thì mình vẫn là người Việt. Vì thế, những phong tục tập quán truyền thống chị luôn cố gắng lưu giữ, truyền lại cho các con.
“Ngày mùng 1 Tết tôi vẫn nhắc các con nhớ, đồng thời lì xì cho con rồi chúng đi học như bình thường. Trong nhà tôi cũng cố gắng trang hoàng một bình hoa mai giả và bày biện chuối, hoa quả cũng như các món ăn ngày Tết như: Hạt dưa, bánh mứt cho các con. Tôi cũng cúng tiễn cuối năm, cúng giao thừa. Đặc biệt tôi luôn khuyến khích các con nhớ ngày Tết bằng cách là Tết là có áo quần mới, cho con mặc áo dài khăn xếp đón Tết. Cho nên, nghe Tết về là các con cũng háo hức lắm”, chị Liên nói.
Không thể về bên mẹ, bên anh chị em họ hàng ở Việt Nam đón Tết vì nhiều yếu tố. Nhưng, trong những ngày đầu xuân, chị Kim Liên không quên dành những lời chúc mừng năm mới, nhắn nhủ đến mẹ của mình: “Năm mới đang đến rồi, tôi cũng xin chúc mọi người có một sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Còn đối với gia đình nhỏ của tôi ở Việt Nam, tôi chỉ mong mọi người đón một cái Tết thật đầm ấm, và má ơi, má đừng buồn khi con không đón giao thừa cùng má, ngày gần nhất con sẽ trở về Việt Nam để được gần má”.