Camera tại phòng hỏi cung, tại sao không?

Camera tại phòng hỏi cung, tại sao không?

Thứ 5, 21/11/2013 16:15

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang đã bộc lộ một “khoảng trống” của pháp luật hình sự trong việc thực hiện quyền được bào chữa của bị can.

Thiếu sự chứng kiến của người bào chữa

Theo LS Nguyễn Đức Bền (nguyên là LS thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang). người được chỉ định bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên tòa sơ, phúc thẩm 10 năm trước. Tiếng là có LS chỉ định, nhưng ông Chấn chỉ được bào chữa ở giai đoạn xét xử, bởi thời điểm đó, Bộ luật TTHS năm 2003 chưa có hiệu lực thi hành và pháp luật chỉ bắt buộc phải có LS bào chữa tại tòa, nên chỉ tòa mời LS cho ông Chấn, chứ LS không được tham gia từ giai đoạn điều tra rồi truy tố.

Luật sư - Camera tại phòng hỏi cung, tại sao không?
Nếu camera được lắp đặt ở phòng hỏi cung, sẽ hạn chế được bức cung, nhục hình.     Ảnh: TL

Vậy là, việc ép cung, bức cung – theo như ông Chấn tố, đã diễn ra trong giai đoạn điều tra. Hồ sơ với nhiều bản cung được ông Chấn ký nhận tội đã diễn ra mà không có sự tham gia, chứng kiến của người bào chữa như luật định sau này. Đây chính là “khoảng trống” khiến cho vụ việc “xuôi chiều” theo nguyên tắc suy đoán có tội vốn thường được các cơ quan tố tụng áp dụng. Rõ ràng, khi phải đối mặt với CQĐT, bị can, bị cáo, hay người bị tạm giữ thường bị động, mất bình tĩnh, nếu không có LS để hỗ trợ, tư vấn thì rất dễ bị dụ cung, rồi ép cung, bức cung để khai theo “ý” của điều tra viên. Không ít trường hợp, người bị lấy lời khai do bị dùng nhục hình đã “nhận bừa” và tin rằng, ra tòa, mình sẽ kêu oan sau cũng được.

Thế nhưng, họ lấy gì để kêu oan, để chứng minh mình đã bị bức cung, nhục hình? Theo luật, tội Dùng nhục hình là tội có cấu thành hình thức, nghĩa là chỉ cần có hành vi dùng nhục hình đã bị coi là phạm tội, còn Bức cung lại là tội có cấu thành vật chất – nghĩa là phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, thì mới cấu thành tội phạm. Qui định này của BLHS đã khiến cho việc chứng minh bị bức cung không hề đơn giản và đây cũng chính là lý do trong 10 năm qua, chưa có người tiến hành tố tụng nào bị khởi tố về tội Bức cung (theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin thuộc VKSND TC), dù có tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hành vi bức cung.

Điều này cũng cho thấy, việc không có LS tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, mà bị can bị bức cung rồi chứng minh được hành vi này gần như là không thể. Trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can, mà bị can lại ở “thế yếu” thì lấy đâu ra chứng cứ bị bức cung (như bản ghi âm phần hỏi đáp…)? Nếu như ở vụ án của ông Chấn, pháp luật chưa buộc phải có LS tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, thì hiện nay, tuy luật đã qui định điều này, nhưng trên thực tế, để được tham gia vụ án ngay từ đầu với các LS vẫn là điều hiếm hoi. Hệ quả thường xuyên các LS nhận được khi đề nghị được dự hỏi cung bị can  là bị “khất lần” với lý do chưa bố trí được thời gian hỏi cung, im lặng kéo dài rồi sau đó thông báo hồ sơ đã chuyển sang VKS! Chỉ số ít những LS dày dạn kinh nghiệm, có mối quan hệ rộng mới có được “may mắn” dự hỏi cung bị can. Mà đấy là được dự, còn được hỏi bị can thì càng hiếm hoi hơn, có LS nói, cứ “cất lời” là bị điều tra viên gạt đi vì “nội dung này đã hỏi, không có gì mới”… Những LS “may mắn” này cũng chỉ được cho dự một, hai buổi hỏi cung bị can và ký vào vài bút lục để đủ “thủ tục”.

Phải suy đoán vô tội để tránh oan sai!

Những bất cập trên có phần do qui định của Bộ luật TTHS hiện hành, đó là luật chưa qui định LS được tự đặt câu hỏi cho người bị hỏi cung, mà mới qui định LS được ngồi chứng kiến việc hỏi cung, khi nào được điều tra viên cho phép mới được hỏi. Thành thử, vì hiếm khi các điều tra viên cho phép và thấy cần thiết, nên LS ít được hỏi thân chủ.

Thậm chí, tại tổng kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và VKSND TC, một khảo sát được công bố 1/3 LS tham gia khảo sát cho biết họ không gặp được thân chủ trong giai đoạn điều tra. Bên cạnh đó, 80% LS tham gia khảo sát cho rằng họ không bao giờ, hoặc hiếm khi được tham gia các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, kê biên và định giá tài sản… Số LS “may mắn” thỉnh thoảng được tham gia vào các hoạt động này là khoảng 10%.

Sự tham gia của LS vào các hoạt động tố tụng ngay từ đầu chắc chắn sẽ làm giảm thiểu oan, sai. Thế nhưng, tỉ lệ vụ án hình sự có LS tham gia ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 20% (gồm cả LS tham gia theo diện chỉ định), 80% còn lại bị cáo “trắng” người bào chữa. Nguyên do, không phải nghi can nào cũng nhận thức được vai trò của LS và quan trọng là có điều kiện kinh tế để mời LS bảo vệ cho mình. Không để xảy ra oan sai là điều không thể, bởi oan, sai có thể xảy ra do chủ quan, những cũng không ít trường hợp do các yếu tố khách quan mang lại. Trong điều kiện hiện nay, để giảm thiểu oan, sai trong tố tụng, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cùng với việc tăng cường vai trò và tạo điều kiện cho LS tham gia tố tụng, thì cần áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội và các bị  can, bị cáo phải được hưởng nguyên tắc này ở mức cao nhất. Nghĩa là, ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, nếu các chứng cứ thu thập được không đủ để chứng minh được tội phạm thì phải suy đoán là bị can, bị cáo vô tội và trả tự do ngay, đến khi nào có tình tiết mới thì lại tiếp tục xem xét.

Lắp camera để tránh bức cung, nhục hình!

Bộ luật TTHS hiện hành đã ghi nhận một số nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội như không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội; trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (VKS và CQĐT)... “Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nhiều vụ án oan sai cho thấy họ đã theo hướng suy đoán có tội, buộc tội nhiều hơn gỡ tội. Khi chứng cứ ở mức “cân bằng” giữa có tội và không, thì người ta lại cố gắng để chứng minh việc khởi tố là đúng. Từ đó, kéo theo sự chệch hướng của các cơ quan tố tụng tiếp theo, nên khó tránh oan sai”, một LS bình luận. Không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không thể hàm oan cho người vô tội, đó là nguyên tắc được pháp luật hình sự nhiều nước ghi nhận.

Thực tế cho thấy, không thể một sớm, một chiều mà “phủ” được đa số án hình sự có LS tham gia, việc thực hiện triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng cũng cần sự “thay dổi dần” từ các cơ quan tố tụng, nên một giải pháp để tránh người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị ép cung, bức cung, nhục hình… dẫn đến oan sai sau này được nhiều LS đưa ra là các CQĐT cần lắp camera tại các phòng hỏi cung, tương tự như tại nhiều phòng xử án mà các tòa án đã thực hiện.

Khi toàn bộ các buổi làm việc giữa điều tra viên và người bị lấy cung được ghi lại sẽ là chứng cứ khách quan, tránh được tình trạng điều tra viên có hành động, hoặc lời nói “ngoài luật cho phép” với người bị lấy cung – như việc ông Chấn đang tố cáo. Đồng thời, điều này cũng tránh cho CQĐT “bị oan” khi bị can, bị cáo cho rằng họ đã bị ép cung, nhục hình nhưng “thiếu chứng cứ nên đành chịu”…

Theo Pháp luật xã hội

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.