Suốt những năm qua, Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ở mức đáng báo động. Có những thời điểm, tỉ lệ bụi mịn ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lến rất cao. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do khói bụi từ các phương tiện giao thông, các hoạt động đốt rơm rạ của người dân hay khói bụi từ khu công nghiệp, công trình, nhà máy...
Điều ảnh anh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Vì vậy, giải pháp để làm giảm tình trạng bụi mịn ở những thành phố lớn được người dân vô cùng quan tâm. Tại buổi tọa đàm Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam diễn ra vào sáng 24/3 tại Hà Nội, các chuyên gia đã có những chia sẻ về việc làm thế nào để phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ và cải tạo môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh.
"WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng...", GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào thực sự hoàn chỉnh cho vấn đề bụi mịn. Ông cho rằng, cần phải có một quãng thời gian khá lâu thì chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp tổng thể nhất: "Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay".
Ngoài vấn đề trên, nhiều vấn đề khác cũng được các chuyên gia đưa ra thảo luận ở tọa đàm. TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội cho biết, Việt Nam sẽ sớm hình thành nền kinh tế tuần hoàn: "Nền kinh tế xanh có rất nhiều định nghĩa khác nhau, như PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói hướng đến một nền kinh tế không rác thải. Để hướng đến một nền kinh tế xanh các nước thường qua một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn hướng đến việc sử dụng nguyên liệu càng ít càng tốt".
"Về pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường 1993 đã nhắc đến nhưng mãi đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đưa vào tại điều 142. Tại Việt Nam sắp tới, luật mới có hiệu lực theo khoản 1, điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ở Đức, khoảng 1996 – 2000 vấn đề này đã được vào luật, và rất cụ thể. Giữa 2 nền kinh tế Việt Nam ở Đức rất khác nhau. Trong tương lai, khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đưa vào thì 5 – 10 năm tới sẽ tạo ra hình hài về nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam", TS Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.
Đàm Linh-Thanh Huyền