Ngay sau khi thông tin này đưa ra đã tạo nên cơn sốt trong dư luận và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của người dân, các chuyên gia kinh tế. Không ít chuyên gia kinh tế, bất động sản khẳng định, với tâm lý "yêu thích" trữ vàng, rất khó để Nhà nước có thể huy động được vàng trong dân. Bên cạnh đó, công việc giải cứu bất động sản không phải là công việc có thể thực hiện được trong một sớm một chiều.
6 nghịch lý
Phát biểu trước báo giới, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, quá trình "sốt giá" đất đã tạo nên 6 nghịch lý trên thị trường bất động sản hiện nay. Nghịch lý giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này là 2 - 4 lần. Nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm nhưng loại nhà thương mại giá thấp hoặc nhà xã hội vẫn gấp 10 lần thu nhập trung bình.
Nhiều người đặt câu hỏi sẽ huy động 400 tấn vàng như thế nào? Ảnh minh họa.
Về các sản phẩm căn hộ giá rẻ, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay, thị trường còn tồn tại một nghịch lý là giá nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi của Chính phủ cao hơn nhà ở thương mại giá thấp cùng loại. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nhà ở xã hội đang được quản lý theo cơ chế thuần túy bao cấp trong khi giá nhà ở thương mại được hình thành từ cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, một nghịch lý nữa là trên thị trường bất động sản tồn nhiều nhưng giá chỉ hạ đến mức nhất định không có hiện tượng phá giá. Ông lý giải vì số tồn đọng chủ yếu từ vốn góp của người tiêu dùng trong phương thức "mua nhà trên giấy", vốn tín dụng từ ngân hàng chiếm tỷ lệ không cao. Ngoài ra, còn có một lượng vốn khá lớn từ các ngân hàng thương mại đầu tư trực tiếp cho bất động sản chứ không thông qua cơ chế vay tín dụng.
Trao đổi với PV về giải quyết những nghịch lý của nhà ở xã hội, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: "Tôi nghĩ, vấn đề nhà ở xã hội cần có sự quản lý khác, so với cách thức hiện nay. Thứ nhất, để giải quyết vấn đề vay tiền mua nhà ở xã hội, chúng ta nên sử dụng cơ chế cộng đồng. Những người có thu nhập thấp có thể tạo thành cộng đồng theo cơ quan hoặc địa phương. Các cộng đồng đó luôn có sự sát cánh của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp xã hội để có thể giải quyết trước mắt là vấn đề nhà ở, sau đó là câu chuyện thu nhập, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đây là một cách mà các nước vẫn làm. Hiện nay, những người thu nhập thấp vẫn là những cá nhân rất đơn lẻ, vẫn tự âm thầm một mình đi tìm kiếm cơ hội".
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, việc quản lý nhà ở xã hội cũng cần phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta đừng dùng cách của thời bao cấp trước đây là định mức giá phải như thế này, định mức về vật liệu là từng này, định mức xây dựng là từng kia. Đấy là những cách thức của ngày xưa, không còn phù hợp nữa. Chúng ta phải đưa ra cách thức về thị trường đối với việc sử dụng nguồn trợ giúp của Nhà nước và cũng có cạnh tranh về giá để khu vực nhà ở xã hội có động lực giảm giá và tăng chất lượng. Hay nói cách khác, chúng ta phải dứt bỏ tư duy bao cấp trong những khu vực tiếp nhận sự trợ giúp của Nhà nước thì các sản phẩm đó mới có cơ hội đến được với tay người tiêu dùng.
GS. Đặng Hùng Võ.
400 tấn vàng có "gỡ khó" cho bất động sản?
Theo GS. Võ, con số 400 tấn là nguồn lực vàng ước lượng đang nằm trong dân. Lượng vàng đó được gọi là lượng "vàng chết". Trong bối cảnh này, khi Nhà nước cần vàng nhưng không có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động vàng trong dân thì cần có chỗ để dân đầu tư. Lý do tiếp theo, người dân muốn gửi vàng lại sợ không an toàn và có lãi. Chính vì vậy, chúng ta đang rất lãng phí nguồn lực đó. "Vì những lý do đó, tôi mới đặt vấn đề làm sao để huy động được 400 tấn "vàng chết". Việc huy động được số vàng khổng lồ không chỉ "gỡ khó" cho bất động sản mà còn giúp nền kinh tế vận hành tốt hơn. Vấn đề là chúng ta làm cách nào để khơi thông được nguồn lực đang "nằm chết" trong dân ấy. Phương pháp cụ thể thế nào thì lại phải trông chờ vào các chuyên gia kinh tế", ông Võ chia sẻ.
Về việc huy động vàng, GS. Võ cũng khẳng định, đây là vấn đề rất khó. Bởi Nhà nước phải giúp người dân vượt qua được cái tâm lý thích trữ vàng tồn tại từ ngày xưa. Chính cái lâm lý đó là rào chắn, cản trở việc huy động vàng. Vì thế, để người dân hưởng ứng cuộc vận động này, điều cốt yếu nằm ở chính sách đối với người có vàng. Nếu chính sách đưa ra tốt có thể vận động được 400 tấn. Ngược lại, chính sách chưa tốt, người dân sẽ dè chừng và quyết "cố thủ" vàng trong nhà...
Trao đổi với PV về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế (đề nghị giấu tên) cho rằng: "Việc huy động vàng trong dân đã được nói đến từ nhiều năm nay. Năm 2012, ngân hàng Nhà nước đã có hẳn đề án huy động vàng trong dân. Trong đề án có nêu rõ, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng.
Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Đón nhận thông tin đó, các ngân hàng thương mại đều tỏ ra khá hào hứng. Bởi vì, họ không phải chịu rủi ro trong việc huy động. Tuy nhiên, trái lại, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ, không mặn mà. Bởi họ luôn có một suy nghĩ thường trực trong đầu, khi giá vàng tăng, ngân hàng có chấp nhận "nhả" vàng trả dân? Chính các tổ chức tín dụng cũng đã khẳng định, sự biến động quá lớn của vàng trong thời gian qua khiến việc huy động, cho vay bằng vàng gặp nhiều rủi ro. Do đó, hoạt động này sẽ khó đạt được hiệu quả".
Cũng theo chuyên gia này, việc huy động 400 tấn vàng trong dân thời điểm hiện tại là vô cùng khó. Bởi ai cũng hiểu được, người Việt Nam có thói quen "giắt vàng sau lung" từ bao đời nay. Tuy nhiên, huy động được số vàng khổng lồ ấy khó một thì "gỡ khó" cho thị trường bất động sản khó mười. Có chăng, với số vàng trên chỉ giúp thị trường bất động sản khởi sắc hơn chứ không giúp nó hoạt động trơn tru như trước. "Mới đây, Chính phủ đã đưa ra gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều nhận thấy, gói cứu trợ này không phát huy được tác dụng. Thậm chí, có nhiều người còn khẳng định, con số này chỉ như "đá ném ao bèo". Chính vì vậy, tôi cho rằng, với 400 tấn vàng chưa đủ để giúp bất động sản và nền kinh tế hết khó khăn", chuyên gia này nhấn mạnh.
Phạm Hạnh - Văn Chương