Trên trang cá nhân, ca sĩ Trần Đại Nhân chia sẻ về việc bị tai biến và nhập viện trong tình trạng gần như liệt nửa bên người, méo miệng.
“Trưa hôm đó, Nhân ngồi ăn cơm với gia đình rồi cảm thấy nhức đầu. Nhân uống viên thuốc rồi lên nhà nằm ngủ. Khi đang ngủ, tôi cảm thấy mắc tiểu nên tỉnh dậy", anh nhớ lại.
"Lúc này, tôi không thể đứng lên được, cứ nghĩ mình ngủ sai tư thế nên tê chân tay thôi. Nhưng cố đến thế nào cũng không thể đứng lên đi được, té lên té xuống, đập đầu khỏi giường, đập tay đập chân vào tủ bầm tím hết. Cố hết sức gọi người nhà lên thì mẹ và chị thấy tôi bị méo mặt. Tay chân bên trái hoàn toàn liệt nên cha mẹ gọi xe cứu thương", ca sĩ Đại Nhân chia sẻ.
Nhập viện trong tình trạng cấp cứu, các bác sĩ suy đoán Đại Nhân bị tai biến tắc mạch máu não trong tình trạng tiêu cực vì phát hiện muộn. Kết quả chụp CT cho thấy tắc nghẹt hết mạch máu não chính. Các bác sĩ yêu cầu phẫu thuật và nói tỷ lệ thành công 50-50.
Căn bệnh tai biến mạch máu não ca sĩ Đại Nhân mắc đang trẻ hoá
Theo báo Gia đình và Xã hội, trước đây, nhiều người nghĩ bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (hay còn gọi đột quỵ não) hầu hết là người cao tuổi. Tuy nhiên, gần đây, bệnh này ngày một trẻ hóa trong đó có những trẻ chỉ mới 9, 10 tuổi. Bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới dưới 45 tuổi.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… tùy thuộc vào số lượng tế bào não bị chết đi.
Để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như các biến chứng, bệnh nhân đột quỵ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trong đó, “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ là khoảng từ 3-5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như méo miệng, nói đớ, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội…
Khi thấy người có biểu hiện đột quỵ, cần đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương, để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở và gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Chỉ trong vòng vài phút thiếu máu, thiếu oxy, tế bào não sẽ chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...
Tai biến mạch máu não có hai thể là xuất huyết não và nhồi máu não.
- Nhồi máu não chiếm khoảng 85% trường hợp tai biến mạch máu não, xảy ra do động mạch nuôi não bị tắc, nguyên nhân do cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc từ nơi khác, thường là từ trong tim, di chuyển đến. Xuất huyết não xảy ra khi động mạch trong não bị vỡ, gây chảy máu.
- Xuất huyết não có thể xảy ra do huyết áp tăng cao không kiểm soát được, do rối loạn đông máu vì sử dụng thuốc kháng đông, do dị dạng mạch máu não hoặc vỡ phình mạch máu não.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn chia sẻ với VnExpress, để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, hãy nhớ từ FAST (nhanh):
- Face (khuôn mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười. Một bên mặt có xệ xuống ?
- Arm (tay): Yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên. Một bên tay có rũ xuống hay là không thể giơ lên được?
- Speech (lời nói) : Yêu cầu bệnh nhân nói các câu đơn giản. Họ có nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu hay không?
- Time (thời gian): Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên, nhiều khả năng đã bị tai biến mạch máu não. Cần lập tức gọi xe cấp cứu. Thời gian cấp cứu rất quan trọng, tính từng giây, từng phút.
Bên cạnh các dấu hiệu nêu trên, tai biến mạch máu não còn có thể biểu hiện các dấu hiệu khác như yếu hoặc tê một nửa người, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu dữ dội đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt…
Khi người nhà bị tai biến mạch máu não cần xử trí thế nào?
Gần đây nhiều người lan truyền phương pháp cấp cứu tai biến mạch máu não bằng cách dùng kim chích vào 10 đầu ngón tay và nặn máu ra. Phương pháp này không có căn cứ và hoàn toàn không chính xác. Tuyệt đối không nên thực hiện theo.
Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay. Đây là một cấp cứu nội khoa. Việc cứu chữa sớm, kịp thời, đúng cách có thể giảm thiểu tổn thương ở não cũng như các biến chứng.
Phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não
Phòng ngừa chính là phương pháp điều trị tiên phát nhằm giảm tần suất mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Chiến lược phòng ngừa tương tự giữa các lứa tuổi. Cần xác định, loại bỏ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh song song với áp dụng lối sống lành mạnh điều độ, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu nhiều.
Tăng huyết áp, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, rung nhĩ, đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất ở người có tuổi. Người trẻ thường có các yếu tố nguy cơ như rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp, hẹp van tim hai lá gây rung nhĩ.
Phong Linh (tổng hợp)