Nhiều người cho rằng, "bí kíp" này đem lại hiệu quả cao nên sử dụng một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng, chất Methyl parathion có trong Mipcin bay vào mắt gây viêm nhiễm thậm chí là mù mắt.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, trước kia, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được người dân cả nước gọi với cái tên "xứ hành tím". Nơi đây có diện tích trồng hành tím lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Tuy nhiên, giờ đây, "xứ hành tím" đã được người dân gọi với cái tên khác rất đau lòng: "Xứ người mù". Bởi, tính đến nay, địa phương này có gần 900 người dân mất đi ánh sáng của đôi mắt vì trồng hành tím.
Hàng loạt người dân bị mù mắt bí ẩn
Để hiểu hơn về sự việc, PV đã tìm đến thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đi dọc con đường vào các làng mạc, chúng tôi liên tiếp bắt gặp những người dân bị mù mắt đứng, ngồi thẫn thờ trước cửa. Được một cán bộ nông nghiệp địa phương dẫn đường, PV tìm đến nhà bà Lâm Thị Phước (ngụ thị xã Vĩnh Châu). Bà bị mù cả hai mắt do trồng hành tím đã nhiều năm qua.
Trao đổi với PV về nguyên nhân bị mù mắt, bà Lâm Thị Phước cho biết: "Gia đình tôi trồng hành tím hơn 15 năm nay. Trong quá trình trồng hành, tôi và nhiều thành viên trong gia đình đều thấy tình hình sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Tôi còn nhớ, cách đây 7 năm, bỗng một ngày, đôi mắt của tôi bị mờ.
Một thời gian sau, mắt cứ tối dần rồi mù hẳn. Đến nay, nhà tôi có đến 3 người mù cả hai mắt là tôi, chồng và con dâu. Gia đình đã tìm đến nhiều bệnh viện tại đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM chữa trị nhưng không khỏi".
Trong ngôi nhà lá rách nát, anh H.V.T (ngụ thị xã Vĩnh Châu) ngồi trầm ngâm nhìn vào khoảng không vô định. Lúc chúng tôi đến nơi mới biết đôi mắt của anh đã không còn nhìn thấy gì được nữa.
Đưa đôi tay quờ quạng tìm bình trà và rót nước mời khách, anh T. thở dài ngao ngán. Khi hỏi về nguyên nhân khiến mắt bị mù, anh T. rầu rĩ cho hay: "Dòng họ nhà tôi trồng hành tím từ khi tôi còn nhỏ. Vì nhà nghèo, ít chữ nên tôi phải bám lấy nghề này để mưu sinh.
Tuy nhiên, tôi làm nghề được 5 năm thì mắt bên phải cứ mờ dần rồi mù hẳn. Sau đó khoảng 1 năm, mắt trái của tôi cũng mù luôn. Từ khi tôi bị mù, gia đình mất đi lao động chính. Vợ tôi phải đi cắt hành thuê kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, chỉ một mình vợ làm không thể nuôi sống được cả gia đình. Chính vì thế, các con tôi không được đi học".
Do sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản hành tím nên khiến nhiều người dân bị mù.
Bà Phước và anh T. chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp bị mù mắt một cách bí ẩn do tiếp xúc với hành tím. Chị Nguyễn Thị Tâm (34 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu) cho hay: "Trong một lần trộn phấn, tôi đã để bụi dính vào mắt.
Tối hôm ấy mắt tôi bỗng nhiên bị đau khủng khiếp. Sáng hôm sau, một bên mắt của tôi không thể nhìn thấy gì nữa. Gia đình gom góp tiền đưa đến bệnh viện, tại đây, tôi bàng hoàng khi nghe bác sĩ bảo phải bỏ đi một bên mắt để giữ bên còn lại". Đau lòng thay, vài năm sau, đến lượt con dâu chị Tâm bị mù cả hai mắt khi mới 25 tuổi. Giờ đây, hàng ngày, chị phải đi chặt củi thuê để kiếm sống.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các trường hợp mù lòa ở thị xã Vĩnh Châu đều là người nghèo. Họ không có đất, phải làm thuê, làm mướn kiếm từng đồng bạc lẻ sinh sống qua ngày. Khi mắt còn sáng, họ đã phải chạy ăn từng bữa, đến lúc mù lòa, cuộc sống dường như trở thành bế tắc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lâm Âu, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Lạc. Nơi có nhiều người mù nhất thị xã Vĩnh Châu cho biết: "Thời điểm ban đầu, cơ quan chức năng địa phương thống kê số người bị mù chỉ khoản vài chục người. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi thống kê lại thì số lượng người mất đi ánh sáng của đôi mắt đã nâng lên cả trăm người. Khi thông tin này được loan ra khiến người dân tại đây hoang mang, lo lắng. Nhiều người còn không tin đó là sự thực".
Loay hoay tìm nguyên nhân
Đến thời điểm này, khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân khiến gần 1.000 người dân ở đây mù mắt, nhiều người cho rằng do nguồn nước ô nhiễm từ các ruộng hành. Khi tưới cho cây hành, số nước này đã dính hóa chất, thuốc trừ sâu.
Khi các loại thuốc ngấm xuống nước, người dân dùng phải nên gây hỏng mắt. Người khác lại khẳng định, do vùng này nhiều bụi cát. Lúc đi làm gặp gió, bị cát bay vào mắt nên dẫn đến rách giác mạc.
Trong khi đó, nhiều người nghiêng về giả thiết do chất cay nồng của củ hành hoặc phấn bảo quản trộn với thuốc trừ sâu vì những người mù lòa đều thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại này. Nguyên nhân gây mù lòa cho nhiều người ở Vĩnh Châu thời gian qua vẫn còn là điều bí ẩn với người dân và cả các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có một thực tế là những người mù đều ở vùng chuyên canh hành tím. Hơn nữa, họ đều từng làm công việc trộn chất bảo quản củ hành.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Châu, hiện nay trên địa bàn hiện có 828 người bị mù, trong đó 267 người bị mù cả hai mắt và 561 người bị mù một mắt. Nạn nhân phần lớn là những nhà nông người Khmer cần cù và chuyên trồng hành. Bên cạnh đó là một số thanh niên, phụ nữ nông thôn tham gia bóc vỏ hành thời vụ vào mùa thu hoạch.
Ông Huỳnh Văn Hồng, trưởng phòng Y tế thị xã Vĩnh Châu, cho hay: "Bệnh mù mắt ở thị xã Vĩnh Châu xảy ra từ hơn chục năm trước. Nguyên nhân ban đầu gây bệnh được ngành y tế khuyến cáo như bụi bẩn trong quá trình thu hoạch hành tím. Bên cạnh đó cũng có thể do củ hành làm cay mắt, khi người dân lấy tay dụi dẫn đến viêm nhiễm, loét giác mạc.
Trung bình mỗi năm, y tế địa phương khám, mổ mắt cho khoảng 300 người bệnh. Trong đó chủ yếu là những gia đình thường xuyên tiếp xúc với các công đoạn thu hoạch củ hành tím".
Hiện nay, toàn thị xã Vĩnh Châu có hàng ngàn ha hành tím, tập trung ở xã Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Châu, phường Vĩnh Phước... Theo ghi nhận của PV, trước đây, người dân dùng hóa chất độc hại DDT để bảo quản củ hành sau mỗi mùa vụ. Sau khi cơ quan chức năng địa phương phát hiện chất này vô cùng nguy hiểm nên đã ra quy định cấm sử dụng trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, để hành giống không bị thối hay sâu mọt tấn công, nhiều người trộn đất sét trắng với thuốc Mipcin để quét lên củ hành. Cứ một tấn hành củ, người dân sẽ trộn một bao bột đất sét khoảng 40kg với 2 - 4kg thuốc trừ sâu Mipcin để làm phấn ủ bảo quản. Nếu không trộn phấn bảo quản thì chỉ trong vòng một tuần, củ hành sẽ bị kiến và sâu tấn công hư thối hết.
Nhiều người dân cho biết, mặc dù có nghe nói mấy chất bảo quản này không tốt nhưng không có cách bảo quản hành tím khác nên họ đành phải sử dụng hóa chất. Vì những củ hành là miếng cơm manh áo của họ.
Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, thị xã Vĩnh Châu là "thủ phủ" hành tím của tỉnh với diện tích trồng hàng năm dao động từ 5.000 - 7.000 ha, rải đều trên địa bàn các xã phường. Hiện nay, việc trồng hành tím mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Vĩnh Châu. Hiện giá hành tím tại thị xã Vĩnh Châu đạt đến ngưỡng 40.000 đồng/kg. Chính vì thế, nghề này đã thu hút đại đa số người dân tham gia trồng trọt.
"Tình trạng người mù đã giảm" Trao đổi với ông Nguyễn Chí Công, phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, chúng tôi được biết, việc người dân bị mù mắt do làm nghề hành tím là nỗi băn khoăn không chỉ của lãnh đạo thị xã mà của cả tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền địa phương là làm sao người dân thoát khỏi cảnh mù lòa, nghèo khổ. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo ngành y tế huyện phổ biến rộng rãi về các hóa chất độc hại trong việc trộn phấn củ hành. Cơ quan này cũng hướng dẫn bà con khi trộn phấn phải mang găng tay, đeo khẩu trang, kính bảo hiểm. Nhờ vậy mà hiện nay tình trạng người mù đã giảm. |
Trúc Ly
Với sự quy tụ của những câu lạc bộ nước ngoài đến từ các quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan, Giải bóng đá quốc tế truyền hình Bình Phước – Cup Number One lần thứ V/2012 hứa hẹn sẽ mang đến những trận cầu đỉnh cao, hấp dẫn, là cơ hội cho các cầu thủ trong nước cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng nền bóng đá Việt Nam hiện nay. Giải chính thức khai mạc vào ngày 22 và chung kết diễn ra vào 30/11. Năm nay có 8 đội bóng tham gia thi đấu; ngoài 3 đội trong nước còn có 5 đội bóng nước ngoài tham dự, gồm: Đội tuyển U21 và đội tuyển Đài truyền hình Quốc gia (CHDCND Lào); đội tuyển Buoeng Ket, tuyển Phnôm Pênh Crown FC và đội tuyển Quân cảnh hoàng gia (Campuchia). Tân Hiệp Phát là nhà tài trợ chính của Giải năm nay. |