Cô Charlotte Webster-Salter, lúc đó đang là tiếp viên hàng không, kể mình thường xuyên bị loét miệng, và nghĩ rằng vấn đề này do lịch trình bay bận rộn.
Cô mô tả các vết loét là “những mảng lớn” trong miệng, chúng bắt đầu chuyển sang màu trắng với màu đỏ xung quanh. Các vết loét xuất hiện rồi khỏi, nhưng luôn ở cùng một vị trí. Chúng không bao giờ khỏi hoàn toàn, mà thường tái phát.
Cô gái 27 tuổi vốn không hút thuốc và luôn chăm chỉ tập luyện nên ban đầu không mấy lo lắng, nhưng khi vết loét mãi không lành, cô quyết định đi kiểm tra.
Khi đi khám răng, nha sĩ cho rằng vết loét của Charlotte có thể là do răng cọ xát vào. Họ khuyên cô đi nắn lại răng và nhổ răng khôn. Sau đó cô đã đi niềng răng, nhổ răng khôn, nhưng vẫn bị loét, theo New York Post.
Khi các vết loét tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, cô đã đi khám và được sinh thiết khu vực này. Cuối cùng, sinh thiết cho kết quả là ung thư khiến cô gái trẻ sốc tột độ bởi cô không có thói quen hút thuốc và tích cực tập thể dục.
Charlotte đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 9,5 giờ. Các bác sĩ đã cắt bỏ một phần lưỡi của cô. Rất may, ung thư chưa di căn. Sau cuộc phẫu thuật, cô đã phải đặt ống mở khí quản trong 1 tuần để hỗ trợ cho việc thở.
Giờ đây, cô đang kêu gọi mọi người cảnh giác về sức khỏe của mình, nhắc nhở họ rằng bất cứ ai cũng có thể bị ung thư miệng.
Ung thư khoang miệng là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Trong đó ung thư lưỡi hay gặp nhất chiếm tỉ lệ khoảng 40%. Khi được phát hiện sớm, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật.
Các chuyên gia Nhật Bản đã tổng kết 8 dấu hiệu khách quan và chủ quan để tầm soát tổn thương niêm mạc khoang miệng như sau:
1. Hạt cơm màu trắng, thường xuất hiện tại lợi hàm hoặc niêm mạc má, và hầu hết không có triệu chứng.
2. Chấm trắng xuất hiện trên nền niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều.
3. Tổn thương niêm mạc gây ra bởi răng giả hoặc bờ răng sắc nhọn, và không lành sau 2 tuần.
4. Tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc với bờ viền không rõ, không đau và phát triển to ra từ từ. Niêm mạc trên bề mặt bình thường.
5. Tổn thương niêm mạc không rõ nguyên nhân, và không lành sau 2 tuần.
6. Tổn thương không lành sau nhổ răng, sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào tổn thương.
7. Một vùng niêm mạc khoang miệng trở nên đỏ và gây đau rát, khó lành.
8. Xuất hiện đau vùng khoang miệng không rõ nguyên nhân, đau ngày càng trầm trọng hơn.
Chú ý: Nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh ung thư, bạn sẽ dễ mắc bệnh ung thư hơn do di truyền. Hãy luôn để ý tới những triệu chứng trên.
Minh Hoa (t/h)