Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả Làng quan họ quê tôi đã qua đời vào 19h50 tối 7/1, tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vì căn bệnh ung thư phổi di căn. Được biết, khoảng hơn 2 tháng trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phải nhập viện và sau đó gia đình phát hiện ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn lên não.
Ban đầu gia đình giấu bệnh với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhưng sau đó thì quyết định nói cho ông biết.
Trước đó, nhà thơ trải qua một cơn thập tử nhất sinh và đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau 20 ngày cấp cứu, ông dần tỉnh táo, thậm chí trở lại cuộc sống với một tinh thần mạnh mẽ hơn và giàu cảm xúc hơn như ông chia sẻ.
Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách ông. Và may mắn đã không mỉm cười với ông thêm lần nữa. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã không chiến thắng được căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Dấu hiệu phát hiện ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có một người mắc ung thư phổi.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc bệnh viện K trung ương - Phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam, cảnh báo khi bị ho dai dẳng, tức ngực điều trị lâu không khỏi phải nghĩ đến ung thư. Cuộc sống mỗi người ai cũng có lúc ho do viêm họng do thời tiết, viêm nhiễm nhưng nếu dùng thuốc giảm ho, kháng sinh không khỏi thì cần cảnh giác ung thư phổi, đường hô hấp.
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, cũng cho biết khi bệnh nhân có các triệu chứng như ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm… thường không còn ở giai đoạn sớm.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc vận động liên tục. Ngoài ra, 40-60% người bệnh bị đau ngực.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cũng cho hay nhiều bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện đau đầu do bệnh đã di căn não, hoặc đau xương sống, sườn do di căn xương. Khi phát hiện các bệnh lý trên, đi khám, người bệnh mới phát hiện ung thư.
Ngoài các dấu hiệu trên, ung thư phổi cũng có các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Các chuyên gia lưu ý khi có tất cả dấu hiệu này chưa chắc người bệnh đã mắc ung thư nhưng cần lưu ý đến những dấu hiệu lạ và tiến hành kiểm tra ngay để loại trừ căn bệnh, từ đó sớm được điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi
Theo GS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến nay nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút...
Ung thư phổi được chia thành 2 loại: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào không nhỏ. Trong đó, ung phổi tế bào không nhỏ phổ biến hơn, chiếm khoảng 80-85% ca bệnh.
Dù chiếm tỷ lệ mắc ít nhưng ung thư phổi tế bào nhỏ thường diễn tiến nặng hơn, hầu hết được chẩn đoán khi bệnh đã nặng. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
GS Mai Trọng Khoa cho biết, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào không nhỏ khoảng 18%.
Nguyên nhân do triệu chứng lâm sàng khởi đầu của ung thư phổi rất nghèo nàn nên hầu hết bệnh nhân phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Để phát hiện ung thư phổi có thể chụp X-quang, chụp CT, soi phế quản, thử nghiệm tế bào học chất đờm, thường khi phát hiện ra, khối u đã có kích cỡ 2-10 cm.
Theo ông Khoa, trong điều trị ung thư phổi, nếu ở giai đoạn sớm 1-2, phẫu thuật loại bỏ tình trạng ung thư là một lựa chọn. Ở những giai đoạn bệnh muộn hơn của ung thư phổi tế bào không nhỏ, khi mà tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ bao gồm hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, điểm yếu của hóa xạ trị là thời gian sống của bệnh nhân ngắn, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, người bệnh mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị.
Ai nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi?
Theo các chuyên gia ung thư, các dấu hiệu lâm sàng của ung thư phổi thường nghèo nàn và không đặc trưng, nên đa số bệnh nhân được phát hiện tình cờ. Vì vậy, điều cần thiết là phải phát hiện lâm sàng sớm khi chưa có triệu chứng. Do đó, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì 1 lần/năm.
Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, người dân nên làm các biện pháp khám sàng lọc ung thư, đặc biệt nên chụp phổi định kỳ một năm hoặc 6 tháng/lần. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới chuyên ngành hô hấp khám kỹ và đưa ra biện pháp điều trị.
Trong đó, những đối tượng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi bao gồm:
Nam giới ngoài 50 tuổi.
Người có tiền sử nghiện thuốc lá, tiếp xúc nhiều khói thuốc.
Người nghiện rượu, bia.
Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm.
>>>Xem thêm: Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Người nghệ sĩ "đa mang" ôm giấc mơ quê đi về cõi lạc
Phong Linh (tổng hợp)