Từ xưa đến nay, thứ tình cảm mẹ ghẻ - con chồng luôn được tóm gọn bằng hai chữ “mâu thuẫn”. Hầu như chẳng có mẹ ghẻ nào lại thương yêu người con riêng của chồng và ngược lại, cũng vì bị đối xử lạnh nhạt nên chẳng có người con nào “mặn mà” với vợ bé của bố mình.
Chính vì thế nên dân gian mới có câu: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Và đương nhiên, từ xưa đến nay, tôi vẫn nghĩ câu nói đó là chân lí cho đến khi biết được hành động vô cùng tình nghĩa, cảm động của ông Lê Khắc Thanh – nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên và hiện đang làm Phó Ban tổ chức Huyện ủy dành cho người mẹ kế của mình.
Theo Báo Pháp luật, ông Thanh đã từng bị khiển trách vì hành động chặt, phá giàn giáo của gia đình anh Đỗ Anh Tuấn khi gia đình anh xây dựng nhà ở tiếp giáp với lối đi vào thửa đất của bà Nguyễn Thị Lành – tức mẹ kế của ông Thanh.
Sự việc đó đã gây bức xúc cho nhiều người bởi sự vô lí của nó. Không rõ ông Thanh cản trở việc xây, sửa nhà của dân như vậy có mục đích, động cơ gì. Và đương nhiên, với hành động gây mất trật tự nơi công cộng và gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Xây, ông Thanh đã phải “trả giá” bằng cách bị khiển trách – một cái giá mà quá hời cho những lồi lầm của ông.
Nhưng rồi sự việc ngày càng phát triển, tôi mới càng hiểu ra tấm lòng hiếu thảo của ông Thanh. Có lẽ, ông cũng chỉ muốn bù đắp những thiệt thòi, những ngang trái mà người mẹ kế của mình phải chịu đựng nên “bất đắc dĩ” ông cùng anh chị em trong gia đình mới phải làm những việc “chướng tai gai mắt” như thế.
Không chỉ vậy, sự “báo hiếu” của ông còn có một quy trình khá dài hạn và đúng tầng bậc. Năm 2004, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của ông Thanh) đã có mong muốn biến 137m2 – con đường dân sinh mà nhiều hộ gia đình sử dụng làm… đất riêng. Bà đã nộp đơn đăng kí và đương nhiên, được cậu con trai – ông Lê Khắc Thanh, lúc đó đang làm Chủ tịch UBND thị trấn Vị Xuyên xác nhận ngay lập tức.
Cứ thế, năm 2007, bà Lành được cấp sổ đỏ đứng tên thửa đất đó. Năm 2009, thửa đất 137m2 đã có vinh dự được sáp nhập vào mảnh đất phía trong của bà Nguyễn Thị Lành thành một. Mặc cho trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình liền kề, miếng đất của bà Lành có diên tích 137m2 “của bà Lành” đều được thể hiện là đường giao thông.
Thế mới thấy, sức mạnh của đám đông cũng chẳng là gì khi đứng trước tượng đài của tình mẫu tử.
Bất chợt, tôi lại nhớ đến những người con hiếu thảo khác, một người đã đầu tư xây hẳn biệt phủ nguy nga (nhưng không có phép) ở Huế cho mẹ vợ mà lại rất khiêm tốn, không hề khoe khoang bao giờ. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì tấm lòng thơm thảo đó của ông mới được trưng ra cho bàn dân thiên hạ trầm trồ.
Đúng là chuyện “con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày” chẳng còn sát thực trong thời đại này nữa rồi! Bởi giờ đây con cái báo hiếu cha mẹ nào có dám “kêu”, dám “ầm ĩ” lên đâu. Cứ thế lặng thầm, khiêm tốn, làm lụng chắt chiu cả đời để dành tặng những món quà khổng lồ cho bố mẹ. Thật đáng ngưỡng mộ!
Ông bà ta đã bảo: Tấc đất tấc vàng. Thử hỏi trên đời này có ai dám bứt phá mọi quy tắc ứng xử xã hội, mọi quan niệm về đạo đức, dám quay lưng vào dư luận để tặng mẹ kế 137m2 vàng như ông Thanh?
Thế mới thấy, hiếu thảo quá cũng khổ tâm lắm!
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả