Tin tức về việc cán bộ bỏ họp giữa giờ, họp thay, họp hộ bị phê bình luôn khiến dư luận xã hội chú ý bởi đây là vấn đề liên quan đến kỷ cương hành chính.
Tuy nhiên, dù đã nhiều lần bị nhắc nhở, phê bình, thậm chí có cả văn bản nhắc nhở, nhưng việc cán bộ bỏ họp vẫn không phải chuyện hiếm.
Vậy, lý do vì sao việc chấp hành kỷ cương hành chính vẫn xảy ra ở các địa phương, các cấp, ngành, thậm chí cả ở diễn đàn Quốc hội? PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ĐBQH, mới đây, tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu bộ phận tổ chức điểm danh số cán bộ về sớm và công khai danh tính nếu không có lý do chính đáng. Trước đó, UBND TP. Hà Nội từng ra văn bản nhắc nhở nghiêm khắc lãnh đạo quận, huyện vắng họp không lý do tại một hội nghị tổ chức tháng 7/2016, cũng do ông Sửu chủ trì. Cá nhân ông đánh giá thế nào về việc chấp hành kỷ cương hành chính của cán bộ hiện nay qua ứng xử với những cuộc họp?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Việc Hà Nội phê bình người không đến họp, bỏ họp hoặc họp không đúng thành phần đã diễn ra nhiều lần. Thực tế có những chuyển biến nhất định, nhưng một số cuộc họp vẫn tồn tại tình trạng đầu giờ thì đông, cuối giờ thì vắng.
Xét về văn hóa công vụ và kỷ cương hành chính, tôi nghĩ cán bộ không được phép bỏ họp giữa chừng như vậy. Thông thường ở các cuộc họp, phần nội dung cuối cùng, người chủ trì sẽ tổng hợp, kết luận và có chỉ đạo. Cán bộ bỏ họp giữa giờ dẫn đến không lĩnh hội và nắm được thông tin chỉ đạo cuối cùng, khi triển khai công việc tại cơ quan, đơn vị có thể bị sai tinh thần. Như thế, ý nghĩa của cuộc họp không đạt được mục đích cuối cùng.
Tuy nhiên, cần có sự chia sẻ vì trên thực tế có hai dạng cán bộ bỏ họp. Thứ nhất, một số cán bộ ý thức và trách nhiệm chưa cao, chưa coi trọng việc họp, thiếu tôn trọng người chủ trì. Thứ hai, một số cán bộ không thể dự họp đến cuối giờ vì lý do rất khách quan như phải bố trí nhiều công việc, có lịch họp với ngành khác, hoặc phải chủ trì một cuộc họp quan trọng tại cơ quan của mình.
PV: Làm cán bộ, bỏ họp giữa chừng bị “bêu” tên sẽ không nêu gương cho người dân? Làm sao để khắc phục, thưa ông?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Đúng vậy, tôi nghĩ không chỉ điểm danh, nhắc nhở mà thậm chí phải có hình thức phê bình nghiêm khắc. Các kế hoạch của cuộc họp cần có sớm để cán bộ thu xếp hoặc cử người đi thay thực sự có chuyên môn. Tôi nghĩ cũng cần giảm các cuộc họp hoặc rút ngắn thời gian trong từng cuộc họp. Trong một cuộc họp, không kéo dài nội dung không thực sự cần thiết.
Riêng việc phê bình cán bộ bỏ họp cần phải làm thường xuyên và công khai, để những người bị phê bình tự thấy lỗi và chấn chỉnh. Cần lấy những việc này làm tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, đánh giá hoạt động của một cơ quan, đơn vị. Nếu có lý do chính đáng có thể chia sẻ, chấp nhận, nhưng không có lý do chính đáng phải nghiêm khắc xử lý.
Quan điểm cá nhân tôi, dù có lý do chính đáng, cán bộ nên thực hiện nguyên tắc báo cáo, không tự ý bỏ về. Bởi như thế, cán bộ sẽ không nêu gương được cho người dân. Giả sử trong cuộc họp với dân mà cán bộ đó là người chủ trì, dân bỏ về hết sẽ thế nào?
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm >>>
Đừng ‘nghỉ hưu non’ vì những lời đồn
Bổ nhiệm 'thừa' 23 cán bộ: Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm
Dương Thu