Cán bộ cấp phòng ở Hà Nội kiếm tiền tỷ một năm

Cán bộ cấp phòng ở Hà Nội kiếm tiền tỷ một năm

Thứ 3, 31/12/2013 13:25

“Thử hỏi với một cán bộ công chức cấp phòng có mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, lấy đâu ra số tiền "khủng" đó nếu không phải là tham nhũng?”.

ĐBQH Lê Như Tiến – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Tuổi trẻ tổ chức vào sáng cuối cùng của năm 2013.

Trước thực trạng cán bộ "nhũng nhiễu" dân vì lương thấp, có ý kiến nêu rằng: Nếu cho 33% cán bộ “cắp ô” thôi việc, đồng lương tăng lên, liệu có khiến tham nhũng giảm đi?

ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, lương thấp, đời sống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức "chân ngoài dài hơn chân trong". Như vậy việc phụ lại thành việc chính rồi nhũng nhiễu, tham nhũng để bù đắp vào phần thiếu hụt trong đời sống.

“Tuy nhiên, không phải cứ nâng lương cao lên thì sẽ hết tham nhũng". Ông Tiến nêu quan điểm và cho rằng trong thực tế những kẻ tham nhũng thường là những người có chức, có quyền, có địa vị và đồng lương không hề thấp. Thậm chí còn lãnh lương "khủng", nhưng họ vẫn là chủ thể của tham nhũng bởi lòng tham thì vô đáy, không giới hạn. "Khi lòng tham đã ngự trị trong những con người này thì không biết bao nhiêu là đủ” – ông Tiến cho hay.

Xã hội - Cán bộ cấp phòng ở Hà Nội kiếm tiền tỷ một năm

ĐBQH Lê Như Tiến: Cán bộ cấp phòng ở Hà Nội mà tài sản cũng tăng lên hàng tỷ đồng trong một năm

Theo ông Tiến, giảm biên chế đối với khoảng 30% công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" là một giải pháp, nhưng không phải duy nhất. Phải có nhiều biện pháp đồng bộ như sự nghiêm minh của pháp luật, không tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng lợi dụng, rồi công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ để đội ngũ ấy thực sự là những công bộc của dân...

Đề cập đến tham nhũng, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chống tham nhũng quyết liệt từ nhiều năm trước thì chắc hẳn nó sẽ không trở thành trọng bệnh như bây giờ. Hiện nay “căn bệnh” này đã trở thành “nan y”.

Thừa nhận quan điểm này, Ông Lê Như Tiến cho biết Đảng và Nhà nước ta đã nhận định tham nhũng là "quốc nạn", nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ.

Theo ông Tiến, muốn chữa "bệnh nan y" này cần phải có thuốc đặc trị. Trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với các quy định phòng và chống rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã củng cố bộ máy chuyên trách về phòng chống tham nhũng, từ việc Thủ tướng là người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chuyển giao sang Tổng Bí thư đứng đầu ban chỉ đạo này. Điều đó chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta. Rồi Ban Nội chính, cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng cũng được thành lập từ trung ương đến các địa phương. Như vậy “chúng ta đã cơ bản hoàn thiện từ pháp luật đến tổ chức bộ máy chống tham nhũng”. Ồn Tiến nhấn mạnh: “Vấn đề còn lại là khâu triển khai thực hiện như thế nào”.

ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, người cắt thuốc và người cho uống thuốc chính là các Cơ quan bảo vệ pháp luật: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thực tế vừa qua đã có những mức án rất nghiêm khắc được tuyên phạt, đó là án tử hình cho những kẻ tham nhũng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ tham nhũng. Vì thế, theo ông Tiến “phải có cơ chế kiểm soát quyền lực”, vì những người có chức có quyền thường lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền.

“Ai là người kiểm soát quyền lực? Đó chính là các cơ quan trong bộ máy nhà nước kiểm soát lẫn nhau, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí là những kênh để giám sát và phát hiện tham nhũng. Tôi hy vọng rằng các chế định về kiểm soát quyền lực đã được thể hiện trong Hiến pháp sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật trong thời gian tới” – ông Lê Như Tiến nói.

Đề cập đến giải pháp kê khai tài sản để phòng chống tham nhũng, theo ông Tiến, chúng ta đã có quy định nhưng lại không công khai tại nơi cư trú và nơi công tác của cán bộ, công chức. Bản kê khai tài sản thường được xếp rất ngăn nắp, khóa rất kỹ trong tủ hồ sơ quản lý cán bộ, cử tri và nhân dân không thể giám sát được. Kê khai mà không công khai thì không còn ý nghĩa.

“Gần đây, tôi được thông tin một cán bộ cấp phòng ở Hà Nội mà tài sản tăng thêm trong một năm có giá trị đến hàng tỷ đồng. Thử hỏi với một cán bộ công chức cấp phòng có mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì lấy đâu ra số tiền "khủng" đó nếu không phải là tham nhũng?” – ông Tiến thông tin.

Theo ông Tiến, cũng chính vì không công khai cho nên không ai biết được, chỉ khi các cơ quan pháp luật vào cuộc thì mới lộ chân tướng. Ông cũng dẫn thêm một ví dụ điển hình là Dương Chí Dũng do tham nhũng mà hàng chục tỷ đồng để mua nhà nọ nhà kia cho "bạn gái". “Còn có hiện tượng mà chúng ta chưa kiểm soát được đó là tình trạng chuyển tài sản cho người thân trong gia đình. Con trai, con gái đang ở tuổi vị thành niên mà đã nắm giữ số tài sản rất lớn: ô tô, biệt thự, đất đai, cổ phiếu...”.

Cuối cùng, ĐB Lê Như Tiến cho rằng kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, kê khai phải đi liền với công khai và trách nhiệm giải trình để cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân giám sát. 

Theo Bưu điện Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.