Kiến nghị Chính phủ “cần chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng” của ủy ban Tư pháp là nội dung “nóng” tại phiên họp thứ 14 của ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.
PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Lê Thanh Vân, ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết suy nghĩ của mình trước kiến nghị tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi toàn quốc?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Vấn đề này tôi đã kiến nghị từ lâu, nhất là khi tôi tham gia đoàn Giám sát của Quốc hội về Cải cách bộ máy hành chính trong giai đoạn 2011-2016. Thực trạng cho thấy, phải tiến hành một đợt tổng kiểm tra việc bổ nhiệm và chất lượng cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, từ trên xuống dưới, mà trước tiên là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Làm được như vậy, sẽ loại ra khỏi bộ máy không ít người không xứng đáng với cương vị được giao.
PV: Vậy theo ông, đợt tổng kiểm tra này thực hiện như thế nào thì sẽ có hiệu quả, loại bỏ đúng đối tượng cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm và chất lượng cán bộ, trước hết là người đứng đầu, phải tập trung vào những vấn đề mấu chốt.
Một là, phải rà soát lại lý lịch cán bộ, đảng viên xem có sự man trá trong kê khai bằng cấp, tài sản hay không. Riêng về bằng cấp, tôi đã có chất vấn Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp cuối khóa XIII và tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Nhưng trả lời của Bộ trưởng ở cả hai nhiệm kỳ đều chưa thỏa đáng.
Cái bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh do viện Brusells (Bỉ) cấp cho những người học ở giai đoạn trước đây là không hợp pháp. Hình thức đào tạo này rất lạ. Chẳng có thi đầu vào, đầu ra. Thời gian học chỉ có 44 ngày (tính cả thời gian phiên dịch). Thế mà họ cấp bằng Thạc sĩ. Ở chính nước Bỉ, loại giấy tờ này chẳng có giá trị.
Vậy mà có nhiều người đã khai vào lý lịch để "chui sâu, leo cao". Có người hiện nay đang là cán bộ cao cấp, thậm chí là người đứng đầu tỉnh. Bên cạnh đó, cần kiểm tra quy trình giới thiệu ra ứng cử và bổ nhiệm xem đã bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch chưa? Có chỉ đạo ngầm, vận động, chi phối không? Có trung thực không, hay man trá, gian lận, hoặc báo cáo sai với cấp trên để trù dập người hiền tài?
Hai là, phải kiểm tra lại chất lượng cán bộ lãnh đạo trong việc đề xuất, khởi xướng các chủ trương, giải pháp thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật xem ở vị trí lãnh đạo, quản lý được giao đã tương xứng với tầm nhìn trí tuệ chưa? Năng lực lãnh đạo, quản lý của những người đảm nhận chức vụ có thực sự vượt trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao không? Có thực sự là người khởi xướng, tạo cảm hứng để dẫn dắt cơ quan, đơn vị, địa phương đi đúng hướng phát triển hay không?
Ba là, đánh giá sự thay đổi tích cực của cơ quan, đơn vị, địa phương xem từ ngày người ấy đảm nhận chức vụ có thay đổi gì không? Việc này được thể hiện ở những kết quả cụ thể mà cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được kể từ khi người ấy nắm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, trực tiếp kiểm tra nhận thức của những người đảm nhận vị trí lãnh đạo quản lý qua sự hiểu biết nhiều vấn đề thuộc tầm quản lý, lãnh đạo, nhất là tình hình chung về kinh tế-xã hội của cả nước, địa phương, cơ quan, đơn vị xem thế nào? Đây là phẩm chất cần có của người lãnh đạo, quản lý. Từ đó, đưa ra tình huống cụ thể xem người đó đề xuất giải pháp xử lý như thế nào. Qua đó sẽ thấy được năng lực thực tiễn.
Năm là, kiểm tra xem tính tiền phong gương mẫu của người đó thế nào? Từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương, có phải là hạt nhân lãnh đạo thực sự không? Có thực sự là trung tâm đoàn kết không? Tác phong có gần gũi với anh em, đồng chí không? Phong cách lãnh đạo có dân chủ không? Có biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới không? Gia đình, vợ con có gương mẫu không? Có quan tâm đến tâm tư, tình cảm và những khó khăn của cấp dưới không? Quan hệ với bà con nơi cư trú ra sao?...
PV: Như ông phân tích thì các bước thực hiện rất rõ ràng và khả thi. Nhưng vì sao, ông đã đề cập điều này từ lâu, dư luận mong mỏi mà chưa thực hiện được?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Gần đây, khi các vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị khui ra ngày càng nhiều, đều có liên quan đến chất lượng cán bộ, từ khâu đề xuất chính sách, đến tổ chức thực hiện và xử lý các sai phạm... đều có vấn đề. Nếu không phải do chất lượng cán bộ, thì do đâu?
Dư luận trong nhân dân và ngay cả trong Nghị quyết của Đảng cũng nhận thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa, biến chất. Đấy chẳng phải là lý do căn bản phải tổng kiểm tra sao? Tha hóa trong sử dụng quyền lực là nguyên nhân dẫn đến các vụ tiêu cực, tham nhũng, do thiếu một cơ chế kiểm soát chặt chẽ và quyết tâm của các cơ quan chức năng, cũng như người đứng đầu ở các cấp.
Những vụ việc kỷ luật hàng loạt cán bộ từ cao cấp trở xuống vừa qua đã chứng minh vai trò đứng đầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng thời, ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình.
Tuy nhiên, “ngọn lửa” mà Tổng Bí thư nhóm lên mới đã và đang “cháy” ở tầng trên, cần làm sao để lan tỏa đến các tầng dưới. Nếu không quyết liệt, xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân ở những nơi vi phạm nghiêm trọng, sẽ không lấy lại sức mạnh và uy tín của Đảng cầm quyền.
Quyết tâm của Tổng Bí thư và những hoạt động xuất sắc của ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua đang làm nức lòng nhân dân cả nước và những cán bộ, đảng viên trung kiên. Những vụ việc đã và đang xử lý cho thấy vấn đề cốt tử, ảnh hưởng đến hệ thống chính là chất lượng, phẩm hạnh của cán bộ, công chức, mà trước hết là người đứng đầu.
Nếu không tổng kiểm tra, mà trước hết là với người đứng đầu, thì sẽ không chỉnh đốn Đảng được như các Nghị quyết của Đảng, quyết tâm của Tổng Bí thư và kỳ vọng của nhân dân.
PV: Cuộc tổng kiểm tra này là điều dư luận mong đợi, ông cũng đề cập từ lâu, nhưng làm sao để sớm nhất có câu trả lời thỏa đáng cho nhân dân?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Thực ra, vấn đề tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm, chất lượng cán bộ tôi đã đề cập trong khi thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, trên phương tiện thông tin truyền thông, tôi cũng đã nhiều lần đề cập. Nhưng, dường như vấn đề này chưa được để ý thôi!
Gần đây, khi thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, ủy ban Tư pháp đã chính thức kiến nghị vấn đề này. Tôi thấy rất đáng mừng. Lý do vì sao thì tôi đã nói ở trên. Tôi tin rằng, việc này sẽ được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!