Quan tâm đặc biệt đến vấn đề khai man, làm giả hồ sơ thương binh thời gian qua ở nhiều địa phương khi thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 27/10, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhắc lại vụ việc phát hiện gần 600 hồ sơ thương binh tại Nghệ An không đúng pháp luật và phải đình chỉ chế độ.
Trước đó, cũng có các trường hợp vi phạm tương tự ở nhiều tỉnh, thành phố. Trường hợp này không chỉ dừng lại ở vi phạm pháp luật mà nó đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những người có công và thân nhân những người có công.
ĐBQH Thủy nêu phản ánh của cử tri, việc làm giả hồ sơ thương binh ở một số nơi diễn ra khá công khai, hình thành nhiều đối tượng cò mồi và không khó để có thể liên lạc với các đối tượng cò mồi này.
Những người có nhu cầu tìm đến các đối tượng cò mồi, điền vào hồ sơ do bọn chúng cung cấp và nộp một khoản tiền. Mức tiền nộp tùy thuộc vào loại thương binh hoặc loại giấy tờ cần làm giả, thậm chí, các đối tượng cò mồi còn có giá tiền cụ thể cho từng mức độ thương tật.
Nhiều hành vi làm giả đã được tiến hành một cách trắng trợ gây bức xúc trong dư luận như: Có những đối tượng chưa một ngày phục vụ quân ngũ nhưng cũng nghiễm nhiên trở thành thương binh; có những trường hợp vết thương do lao động từ tai nạn giao thông nhưng cũng đi giám định để hưởng chế độ với người có công; có những trường hợp chiến đấu tại biên giới phía Bắc nhưng lại giả hồ sơ nhiễm chất độc da cam…
Trong khi đó, thực tế có rất nhiều trường hợp người có công nhưng vì những nguyên nhân khách quan do không còn giấy tờ gốc và người làm chứng nên chưa được công nhận vẫn đang là nỗi day dứt của chúng ta.
Từ thực tế, cử tri đặt câu hỏi: Bản thân các đối tượng giả mạo có thể tự làm giả hồ sơ hay không? Tại sao quy trình xác nhận thương binh rất chặt chẽ, qua nhiều khâu và nhiều cơ quan có thẩm quyền xác nhận nhưng vẫn có hàng trăm hồ sơ giả mạo trót lọt. Có hay không sự câu kết với cán bộ có thẩm quyền và nếu có thì ai đã tiếp tay cho các đối tượng này, cần phải làm rõ.
ĐBQH Thủy nêu một số vụ trên thực tế đã có sự bắt tay chặt chẽ giữa cán bộ làm chính sách với các đối tượng, trong đó có cả sự kết nối với các đối tượng bên ngoài để hình thành đường dây chạy chế độ thương binh; tự ý bổ sung tên các đối tượng bên ngoài vào danh sách thương bệnh binh để được hưởng chế độ giám định thương tật; cấp khống biên bản giám định thương tật, hoặc nâng tỷ lệ giám định thương tật gấp nhiều lần so với thực tế.
“Chúng tôi nhận thấy, số cán bộ vi phạm không nhiều và đã bị xử lý nghiêm. Nhưng đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ. Bởi chúng ta đang làm công việc hết sức thiêng liêng là đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước đã hy sinh vì Tổ quốc. Xử lý nghiêm và không cho phép bất cứ sự trục lợi nào liên quan đến chính sách với người có công là yêu cầu nghiêm khắc mà nhân dân gửi tới các cơ quan có thẩm quyền”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
ĐBQH Thủy cũng nêu vấn đề đặt ra là, tại sao những vụ việc nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài và quy mô lớn như vậy. Chỉ đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc mới phát hiện ra.
“Có hay không tâm lý sợ ảnh hưởng đến uy tín của địa phương nên không làm quyết liệt?
Chúng ta không khó để phát hiện trường hợp nào là thương binh giả, thương binh thật. Bởi vì ở cùng làng, xã, ai đi bộ đội thì người ta đều biết. Cần phải làm triệt để, xử lý nghiêm vấn đề này. Cần quyết liệt xử lý triệt để đối tượng trục lợi chính sách”, vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.