Hằng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách đáng kể cho các cán bộ đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động này đến nay vẫn rơi vào tình trạng lãng phí và kém hiệu quả.
Câu chuyện đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài chỉ như 1 chuyến tham quan, du lịch đã không còn là lạ lẫm.
Mới đây, thông tin tỉnh Thanh Hóa cử một đoàn cán bộ tham gia chương trình quảng bá, dự chi ban đầu là hơn 1,7 tỷ. Việc này đã gây xôn xao dư luận. Dù số tiền được duyệt đã giảm hơn 1 tỷ đồng so với dự chi ban đầu, nhưng câu chuyện phải chi kinh phí tiền tỷ cho các đoàn cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài vẫn còn gây tranh cãi.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài là rất cần thiết, nhất là khi nước ta đang trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc đi nước ngoài gây tốn kém.
“Câu chuyện bắt doanh nghiệp phải cung phụng cho các chuyến đi nước ngoài của cán bộ đã và đang diễn ra. Và cũng không ít địa phương, cứ cán bộ cuối nhiệm kỳ thì được ra nước ngoài học tập kinh nghiệm. Tình trạng cán bộ không có chuyên môn, năng lực, ngoại ngữ kém đi nước ngoài như đi du lịch diễn ra ở nhiều nơi khiến bản chất thực sự của việc đi học tập kinh nghiệm đang dần biến dạng.
“Để tránh tình trạng trên, trước hết thành phần đi nước ngoài cần phải đúng, rõ ràng. Ngay từ khâu đầu, việc lựa chọn cán bộ phải rõ ràng, tránh tình trạng đi nước ngoài là ban phát, là quà tặng cho một số nhân vật, hay để xảy ra tình trạng tìm cách luồn lọt, bôi trơn để được đi.
Đồng thời, ta phải giải quyết được 2 câu hỏi một cách rõ ràng, minh bạch: Người nào mới đủ tiêu chuẩn cử cán bộ đi học tập? Và ai là cấp phê chuẩn những đề xuất đó?”, ĐBQH Nhưỡng phân tích.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Mỗi chuyến đi phải có kế hoạch, mục tiêu và khi về phải có báo cáo học tập, rút kinh nghiệm, các bản thu hoạch. Người chịu trách nhiệm là người đứng đầu địa phương của ngành, các cơ quan.
Nếu cán bộ đi không đúng thành phần, về không có sản phẩm hoặc sản phẩm không có giá trị thì nhất định phải xử lý trách nhiệm về mặt cán bộ đồng thời yêu cầu bồi thường, bồi hoàn lại số tiền mà Đảng và Nhà nước đã chi cho chuyến học tập đó. Những người cử cán bộ và phê chuẩn đoàn cán bộ đó cũng bị xử lý 1 cách nghiêm khắc. Không thể để tình trạng, đoàn cán bộ dùng ngân sách, tiền của của Nhà nước, nhân dân như “tiền chùa”. Họ phải hiểu rằng, trong nước đang phải tiết kiệm từng đồng, nhân dân còn khó khăn nên việc lãng phí vào những chuyến đi vô bổ là điều khó có thể chấp nhận”.