Còn nhớ vào cuối năm ngoái, sự xuất hiện của hàng chục thanh niên bịt mặt gây náo loạn tại công trường xây dựng cầu Hải Thượng Lãn Ông do UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư đã khiến dư luận địa phương hết sức hoang mang, cho rằng đơn vị thi công thuê "xã hội đen" đến can thiệp.
Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ, ông Trần Cao Cường, chuyên viên văn phòng giao dịch một cửa của huyện này đã nhắn tin tư vấn chủ thầu nhằm hợp thức hóa nhóm thanh niên kể trên; nội dung cụ thể: “Vụ lộn xộn trên đó, anh cần thiết thì ký hợp đồng 3 tháng một với mấy thằng kia là xong, coi như quân của mình anh à”.
Tuy nhiên, tin nhắn bại lộ, ông Cường bị kỷ luật với hình thức khiển trách vì làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và vi phạm thời gian làm việc hành chính. Điều đáng nói, hội đồng Kỷ luật của huyện cũng xác định vị cán bộ huyện nhắn tin một cách cá nhân, bột phát; phía chủ thầu không nhờ ông Cường tư vấn.
Cũng có ý giúp đỡ, nhưng ông Cao Thanh Thương - Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) lại thể hiện sự nhiệt tình của mình bằng cách “động viên” một nhà thầu không nên tham gia dự án của huyện, đổi lại huyện sẽ bố trí dự án khác. Giải thích về tin nhắn “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” gửi cho đại diện nhà thầu, ông Thương khẳng định “chỉ muốn dàn xếp trong địa bàn của huyện yên ổn”.
Chưa rõ hành vi của ông Cường, ông Thương có nhằm phục vụ lợi ích của tập thể, của nhân dân hay không nhưng xét riêng về… tư duy sắp đặt qua tin nhắn thì cả hai vị này đều xứng đáng được gọi là bậc thầy. Chỉ tiếc rằng, “tác phẩm” của họ chỉ gặt hái được thành công khi không ai công bố rộng rãi…
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả