Đây là chuỗi các buổi tập huấn với sự phối hợp tổ chức giữa hội Luật gia Việt Nam và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chương trình tập huấn "Pháp luật về chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế" nhằm phổ biến kiến thức cho tuyên truyền viên pháp luật hiểu đúng về BHXH để tuyên truyền đến người dân.
Tham dự buổi tập huấn có TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam; ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật hội Luật gia Việt Nam; ông Trần Đình Lợi - Phó phòng truyền thông BHXH tỉnh Yên Bái; đại diện hội Luật gia 11 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc cùng các chuyên gia và tuyên truyền viên pháp luật.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Quyền cho biết, BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách lớn của quốc gia. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH), bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh những thành tựu thì công tác BHXH, BHYT thời gian vừa qua cũng tồn tại một số hạn chế nhất định mà 1 trong số nguyên nhân là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
“Với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi thấy BHXH luôn là vấn đề nóng hổi trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này. Qua đó thấy rằng, việc tuyên truyền chính là yếu tố quan trọng cho người dân hiểu và tham gia. Do đó, hội Luật gia Việt Nam và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức tập huấn, hy vọng thông qua tập huấn, các đại biểu trở về sẽ thêm kiến thức để tuyên truyền mạnh mẽ và đúng tới người dân”, TS. Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến.
Vấn đề tuyên truyền tiếp tục được GS.TS Lê Hồng Hạnh - Nguyên Phó hiệu trưởng đại học Luật Hà Nội nhắc đến là một trong những hạn chế lớn còn tồn tại. Theo GT.TS Lê Hồng Hạnh, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật thậm chí còn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của BHXH dẫn đến tuyên truyền sai lệch đến người dân.
Cụ thể, cả nước có hơn 25 nghìn báo cáo viên pháp luật, nhưng công tác tuyên truyền chưa được hiệu quả. Khi được hỏi, người dân nói rằng, họ biết về chính sách BHYT, BHXH thông qua cán bộ y tế địa phương nhưng họ không nắm được mình được hưởng những gì từ chính sách đó.
Trong khi đó, các cán bộ hướng dẫn cũng chưa hiểu đúng về ASXH, họ nói với người dân rằng “Nhà nước cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu”. Đó là quan điểm sai lầm, vì ASXH là quyền con người và là trách nhiệm của Nhà nước.
"Khi tuyên truyền cho người dân chúng ta phải hiểu và khẳng định rằng, phải nói, BHXH là quyền người dân được hưởng không phải nghĩa vụ của họ", GS.TS Lê Hồng Hạnh tiếp tục nhấn mạnh.
Bên cạnh đó còn nhiều lý do như việc thực hành pháp luật về BHXH chưa nghiêm ở môt số khía cạnh: Tính minh bạch, tính giải trình và hiệu quả làm việc. Có thể thấy, nhiều địa phương chưa kiên quyết yêu cầu người sử dụng lao động tuân thủ các quy định về luật BHXH. Quy định định kỳ 6 tháng cung cấp thông tin về đóng BHXH cho người lao động chưa đảm bảo.
Cộng với đó, ý thức và sự hiểu biết về ý nghĩa của BHYT, BHXH của đại đa số người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, nông nghiệp với mức thu nhập chưa đảm bảo khiến người lao động chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm...Do đó, dù những năm qua tỷ lệ người dân tham gia BHXH tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe GS.TS Lê Hồng Hạnh trình bày chuyên đề “Pháp luật BHXH hiện hành nhìn từ góc độ phát triển bền vững”. Qua đó, GS.TS Lê Hồng Hạnh đã tổng kết 4 vấn đề cốt lõi ra để đưa ASXH đến người dân.
Cụ thể, trước hết phải khẳng định ASXH là quyền tự nhiên của con người gắn với quyền sống của con người. Tiếp theo, ASXH là điều kiện phát triển của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt đối với Việt Nam nhiều người lao động còn gặp khó khăn.
ASXH với 3 nền tảng cơ bản (BHYT, BHXH và Bảo hiểm tự nguyện-BHTN) với các yếu tố thể chế chính sách, thiết chế, pháp luật hiện đã đầy đủ. Tuy nhiên, cơ chế vận hành hoạt động chưa hiệu quả cản trở sự phát triển của ASXH. Với tư cách là người tham gia cơ chế các cán bộ làm ASXH phải có nhận thức, tầm nhìn đúng với ASXH.
Cuối cùng, mặc dù giá trị nhân văn là giống nhau nhưng ASXH không phải hoạt động từ thiện. Vì vậy cán bộ thực hiện ASXH cần thực hiện bằng cả trái tim của người làm từ thiện.
Sau khi nghe chuyên đề trên, TS. Nguyễn Văn Quyền bổ sung, ASXH là chiến lược quan trọng quốc gia, do đó cần xác định phải có sự chung tay tham gia của cả hệ thống chính trị chứ không của riêng ngành BHXH.
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Đại học Luật Hà Nội trình bày chuyên đề “Chính sách, pháp luật BHXH Việt Nam”. Các đại biểu được giải thích tổng quan về các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN cùng với đó là cơ chế, chính sách, thuận lợi, khó khăn trong việc thực thi triển khai BHXH.
Bên cạnh đó, nội dung chuyên đề cũng đã đưa ra các giải pháp thiết yếu như: Đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm; Xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo cho người lao động được tham gia...
Ngoài ra, buổi tập huấn cũng trực tiếp thảo luận, giải đáp các thắc mắc, qua đó giúp các đại biểu tham dự có sự nhìn nhận đúng về các vấn đề liên quan đến vấn đề BHYT, BHXH trong bối cảnh hiện nay.