Câu chuyện bi hài gần chục ngân hàng thuê người đến canh kho hàng của một doanh nghiệp đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc kiểm tra, giám sát, thẩm định hồ sơ vay vốn của ngân hàng. Không loại trừ khả năng cán bộ tín dụng và doanh nghiệp đã thông đồng với nhau cùng trục lợi. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Dễ dãi sẽ sinh ra rủi ro lớn
Những ngày qua xuất hiện nhiều ngân hàng thuê người đến để canh một kho hàng của doanh nghiệp. Điều đáng nói là chỉ với một kho hàng đó nhưng doanh nghiệp đã phù phép để đem đi thế chấp cho 5-7 ngân hàng khác nhau. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?
Việc dùng hàng hóa để thế chấp vay vốn không phải là chuyện lạ, ở trên thế giới người ta vẫn thực hiện việc này hết sức bình thường. Tuy nhiên, vì tính chất của kiện hàng cho nên nếu muốn thế chấp để vay vốn từ ngân hàng thì phải đảm bảo được các điều kiện nhất định. Ví dụ như điều kiện đảm bảo khả năng minh bạch của kho hàng ấy đến đâu. Thông thường thì tính minh bạch của kho hàng được đem ra thế chấp sẽ quyết định việc ngân hàng có cho vay hay không.
Thứ hai, người có hàng thế chấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ chính xác, đầy đủ. Thứ ba nữa, về phía ngân hàng khi bắt đầu cho vay phải kiểm soát rất là chặt chẽ và bằng các quy chế, nguyên tắc phải kiểm soát được lượng hàng hóa mà doanh nghiệp, cá nhân mang đi thế chấp. Ngân hàng phải nắm rõ cái kho hàng ấy nó xuất - nhập ra làm sao, chất lượng hàng hóa trong kho như thế nào. Để nếu lỡ trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có tiền để trả nợ thì nếu phát mại kho hàng đó có đủ tiền để trả cho ngân hàng hay không?
Nếu một khi doanh nghiệp thỏa mãn được tất cả các điều kiện đó, thì ngân hàng mới cho vay, nếu không thì ngân hàng sẽ không duyệt hồ sơ đó. Nói chung, càng cẩn trọng, đảm bảo các nguyên tắc, thì ngân hàng càng giảm thiểu rủi ro cho chính mình. Nếu làm nghiêm túc, tôi nghĩ việc doanh nghiệp thế chấp bằng hàng hóa hay bất kỳ tài sản nào cũng sẽ không vấn đề gì. Một khi ngân hàng làm theo các nguyên tắc đó, khả năng thu nợ cũng sẽ rất tốt.
Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc đáng tiếc như vậy? Phải chăng cán bộ ngân hàng thông đồng với doanh nghiệp để hưởng phần trăm hoa hồng vì thế mới có chuyện dễ dãi trong thẩm định, kiểm tra tài sản doanh nghiệp thế chấp nên mới xảy ra thực trạng đó?
Tôi không loại trừ khả năng đó. Vừa qua tôi thấy xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc, điển hình đó là việc một doanh nghiệp sử dụng một kho hàng mà có thể thế chấp để vay vốn của gần 10 ngân hàng. Đến khi không có khả năng trả nợ thì ngân hàng mới ùn ùn kéo đến, lúc đó ông nào cũng vỡ lẽ ra là mình dại. Trong việc này, tôi nghĩ một số cán bộ tín dụng nghiệp vụ kém hoặc công tác quản lý cũng lỏng lẻo, dễ dãi quá nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc như thế. Ngoài ra, có thể đặt ra nghi vấn giữa cán bộ tín dụng và lãnh đạo doanh nghiệp thông đồng, ăn chặn và tăng tiền hoa hồng lên cho cán bộ tín dụng nên mới xảy ra cơ sự như vậy. Mặt khác, tôi nghĩ khả năng trung thực trước pháp luật của doanh nghiệp cũng có vấn đề vì thế nó làm cho hồ sơ vay vốn méo mó đi. Nếu như vậy là thiếu trung thực, thậm chí doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo. Tôi nghĩ, những việc trên hoàn toàn do biện pháp quản lý quá lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp của ngân hàng và ý thức chấp hành luật pháp của doanh nghiệp quá thấp.
Báo động thực trạng doanh nghiệp qua mặt ngân hàng
Doanh nghiệp cố tình dùng một khối tài sản, một lô hàng, khai số lượng không khớp, làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng, hoặc nhiều ngân hàng khác nhau thì có bị coi là vi phạm pháp luật không, thưa ông?
Trước hết, những hành vi, mánh lới như vậy là cách mà doanh nghiệp chơi không đẹp, tự đánh mất chính mình. Điều đó trước sau gì cũng dẫn đến kết cục từ đối tác chuyển sang đối đầu. Nhưng quan trọng hơn, hành vi đó của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vay vốn đã vi phạm pháp luật, đó có thể coi là hành vi lừa đảo và hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự. Đó là những tiêu cực trong tín dụng mà cần phải loại bỏ. Tôi nghĩ, tình trạng này đã đến mức báo động, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Qua việc này có thể thấy rằng, khi kinh tế thuận lợi thì doanh nghiệp - ngân hàng là đối tác do đó có thể xuề xòa với nhau nhưng đến khi gặp khó khăn thì chính sự dễ dãi đó lại biến từ đối tác sang đối đầu, thậm chí đưa nhau ra tòa phân xử?
Đúng như vậy. Đã liên quan đến kinh tế, đến lợi ích, quyền lợi thì dứt khoát là rất khốc liệt chứ không thể cứ dễ dàng mãi, xuề xòa mãi được. Đồng tiền đi liền khúc ruột là thế.
Trước đây, hiện tượng này ít hơn là vì bản thân khách hàng của ngân hàng họ không liều lĩnh như bây giờ, cũng không phổ biến như bây giờ, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp cũng tốt hơn. Bây giờ khi kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp sử dụng nhiều hình thức để qua mặt ngân hàng.
Sau sự việc này, có ý kiến cho rằng, vẫn còn những lỗ hổng về luật pháp cho nên người trong cuộc mới dễ dàng lách luật như vậy?
Tôi nghĩ là không nhiều, bởi nếu căn cứ vào luật pháp quy định thì không có vấn đề gì, chỉ là ý thức chấp hành pháp luật của các bên còn chưa tốt mà thôi.
Thế chấp bằng hàng hóa thì thời điểm nào cũng có, vấn đề là phải làm như thế nào cho nó chặt chẽ, đảm bảo pháp luật mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
M. Khánh - H. Khê (thực hiện)