Dư luận đang rất bất bình trước vụ việc xảy ra tại bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức khi mà hàng loạt các phiếu xét nghiệm giống nhau được giao cho các bệnh nhân khác nhau.
Hậu quả của việc nhân bản kết quả xét nghiệm
Không thể lường trước được hậu quả khi mà bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm nhầm lẫn đó để chuẩn đoán bệnh và kê đơn cho bệnh nhân. Trường hợp nhẹ thì không chuẩn đoán được bệnh, nặng thì có thể chuẩn đoán sai bệnh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư Hà Nội, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh, cảnh báo: "Việc dùng chung kết quả xét nghiệm máu rất nguy hiểm, vì khi chiếu theo kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể sẽ bị chuyền sai nhóm máu hoặc người đi cho máu có thể sẽ gây các bệnh truyền nhiễm cho người nhận máu như viêm gan, HIV …”
Bà Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ Khoa Xét nghiệm, người đứng đơn tố cáo những sai phạm xảy ra tại BV cho biết: “Có những bệnh nhân vào cấp cứu, tình trạng sức khỏe rất xấu, nhưng vẫn không được làm xét nghiệm thật mà bị nhận kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác. Thậm chí có người xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức không bị tiểu đường, nhưng đi khám ở BV tuyến trên mới biết bị tiểu đường. Còn trường hợp một mẫu máu có cùng ngày, giờ xét nghiệm, cùng chỉ số được trả cho 5 bệnh nhân khác nhau về giới tính, độ tuổi, tình trạng bệnh. BV không mất tiền hóa chất, nhưng vẫn thu tiền đủ của các bệnh nhân, trả kết quả nhanh khiến lượng bệnh nhân đến càng đông”.
Sai phạm này dẫn tới hậu quả là điều tất yếu, mức độ của hậu quả là rất lớn, điển hình là trường hợp kết quả xét nghiệm của bé 22 tháng tuổi giống hệt với kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 81 tuổi.
Hai phiếu xét nghiệm với nội dung như nhau
Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm nghề nghiệp của “lương y”
Trong số những bệnh nhân nhận nhầm kết quả, chưa thống kê được số người bệnh gặp nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe do sự tắc trách của một nhóm các “lương y”. Sự việc đang được các cơ quan có thẩm quyền khởi tố điều tra tìm ra hướng xử lý.
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức
Nếu nguyên nhân của vụ việc là do sự tắc trách của cán bộ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng (Hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là tử vong ở người bệnh) thì những cán bộ y tế có liên quan đến vụ việc sẽ không tránh khỏi việc bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 242, bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể lên đến mười lăm năm tù.
Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra do sự tính toán từ trước của một hệ thống các cán bộ y tế nhằm mục đích chuộc lợi cá nhân thì các cán bộ này có thể bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281, bộ luật hình sự.
Ngoài ra, vụ việc cũng phản ánh phần nào chất lượng của ngành y trong quá trình phát triển đời sống, y tế hiện nay, những hành vi vi phạm quy chế, vi phạm y đức nghiêm trọng này còn đối mặt với sự lên án của xã hội, cán bộ y tế sai phạm có thể bị kỉ luật, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong một thời hạn nhất định.
|
Hoài Thương