Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Vụ trưởng, Trưởng Ban III, Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương: Quy định đi ngược chủ trương cải cách hành chính hiện nay
Nếu xem xét các khía cạnh, từ tình cảm đến pháp luật thì việc cơ quan báo chí tham gia quá trình xét xử tại tòa án là rất cần thiết. Điều đó hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Luật Báo chí và các quy định hiện hành. Ở đây cần phải có thái độ và cách nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ về quyền, trách nhiệm của báo giới đối với các hoạt động tư pháp và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là sự đóng góp của báo chí, truyền thông trong việc thông tin và giám sát mang tính nhân dân đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm bảo đảm thực hiện tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020:
“Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân.” (Phương hướng cải cách tư pháp). Đồng thời, “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp… Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động tư pháp”. (Nhiệm vụ của cải cách tư pháp).
Về những quy định tại các Dự thảo Pháp lệnh, cần hết sức lưu ý chuyển tải tinh thần trên của Nghị quyết số 49-NQ/TW và đặc biệt chú trọng, quan tâm các hoạt động báo chí tại phiên tòa nói riêng, trong hoạt động tư pháp nói chung. Không thể đánh đồng sự có mặt, sự tác nghiệp của phóng viên, nhà báo với cá nhân, tổ chức khác tham gia tố tụng hoặc tham dự phiên tòa.
Việc tham gia của báo chí là vấn đề đặc biệt, có tính hai chiều, vừa giúp công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong xã hội, mặt khác giúp nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động tư pháp của Nhà nước. Tôi đã được tận mắt nhìn thấy tại phòng xét xử của tòa án cấp hạt (county courts) của Úc, vị trí dành cho truyền thông là cao nhất để dễ quan sát, đưa tin, tránh việc bị gây cản trở, xâm phạm.
Chính vì vậy, theo tôi, khi đã có Luật Báo chí thì phải xử lý các vấn đề theo Luật này, có nghĩa là ngoài việc mời báo chí dự phiên tòa, các phóng viên tác nghiệp không thuộc diện mời cũng không cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chánh án. Bởi vì nó tạo ra một thủ tục hành chính mới, một “giấy phép con”, đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính hiện nay.
Riêng việc thông tin, viết bài của báo chí (nếu có sai) cần phải xử lý theo Luật Báo chí, không thể xử lý bằng Dự thảo này được. Đối với Dự thảo này, dường như đang có sự nhầm lẫn, đồng nhất (có thể) giữa hai loại hành vi: “cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân” (Điều 17) và hành vi “vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa” (Điều 18).
Tôi cho rằng, cần phải phân biệt rõ: các hành vi mang tính chất nghiệp vụ của báo chí phải xử lý theo Luật Báo chí, còn hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa của cá nhân, tổ chức thì xử lý theo dự thảo pháp lệnh này hoặc văn bản luật có liên quan khác (nếu có).
Riêng có một điều tôi rất băn khoăn: nếu tòa xử lý sai, hoặc giả sử có đúng đi nữa nhưng nếu có khiếu nại, khiếu kiện hành chính thì ai sẽ xử lý?. Tòa án có phải là đối tượng bị khởi kiện không?. Tòa án có quyền xử vụ kiện hành chính về xử lý hành chính theo Dự thảo pháp lệnh này không?. Hay vì tòa án là cơ quan tư pháp nên mọi quyết định của tòa án đều đúng, hoặc được miễn trừ?.
Ông Nguyễn Phan Phúc, Phó trưởng Phòng Thanh tra Báo chí- xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông: Hành vi đưa tin sai sự thật không thuộc đối tượng điều chỉnh của Dự thảo
- Tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định khá chi tiết về quyền hạn của nhà báo, đó là “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai...”. Như vậy, có thể hiểu: chính cơ quan xét xử (Tòa án) phải có trách nhiệm bố trí chỗ ngồi riêng cho cơ quan báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Việc TANDTC đề xuất quy định xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa nếu không có văn bản chấp nhận của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án là không có căn cứ và trái với quy định trên.
Theo tôi, việc cơ quan truyền đưa thông tin về việc giải quyết vụ việc của các cơ quan Nhà nước nói chung và việc giải quyết vụ án của Tòa án nói riêng là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí, được quy định tại Điều 2, Điều 7 Luật Báo chí. Cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng tải, nếu thông tin đăng tải không đúng sự thật thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Khoản 1, 2 Điều 17 a Luật Báo chí đã quy định: “1.Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về báo chí; 2. Bộ Văn hóa- Thông tin -nay là Bộ Thông tin và Truyền thông- (TT&TT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí”.
Như vậy, có thể khẳng định, Bộ TT&TT là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, trong đó có việc xử lý vi phạm về hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí. Hơn nữa, hành vi thông tin sai sự thật trong hoạt động báo chí đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Nhưng Điều 25 của Dự thảo Pháp lệnh 2 lại quy định Tòa án có thẩm quyền xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án là không phù hợp với tinh thần của Luật Báo chí và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, hành vi này không phải la đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh trên.
Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Đa: Không cần sự “đồng ý bằng văn bản”
Theo tôi, trước khi tác nghiệp, chỉ cần phóng viên, nhà báo phải xuất trình đầy đủ thẻ phóng viên, thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí với các cơ quan, tổ chức liên quan là đã đủ điều kiện được tác nghiệp. Vì vậy, quy định phải có văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án thì phóng viên, nhà báo mới được thực hiện ghi âm, ghi hình sẽ làm mất đi tính chủ động, độc lập của nghề làm báo và hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ” theo quy định tại Điều 2 Luật Báo chí”-
Trên thực tế, với những phiên tòa có tính chất phức tạp và thời gian xét xử kéo dài, do thông tin cần thu thập lớn, phần tranh tụng của HĐXX, luật sư, kiểm sát viên và nguyên đơn, bị đơn... khá nhiều nên các phóng viên rất cần sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy ghi âm, ghi hình để đảm bảo tính chính xác cao của thông tin.
Do đó, nếu đã đến phiên tòa đưa tin mà lại không được sử dụng các phương tiện hỗ trợ để tác nghiệp thì họ phải tiếp tục chịu áp lực từ việc đưa thông tin không chính xác, không đầy đủ dẫn đến hệ quả là bị xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 25 Dự thảo Pháp lệnh 2.
Tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 18 của Dự thảo pháp lệnh 1 theo hướng: “1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: ...e) Ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép của HĐXX hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án, trừ việc ghi âm, ghi hình của các cơ quan báo chí hoạt động theo Luật Báo chí”.
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Quyền Tổng biên tập Báo Giao thông: Cản trở hoạt động của nhà báo sẽ kéo lùi Cải cách Tư pháp
Tôi hết sức bất ngờ khi TANDTC lại đề xuất quy định như trên. Hiện nay, báo chí tham dự phiên tòa chỉ cần trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của Tòa soạn cho chủ tọa phiên tòa là được tác nghiệp. Quy định như Dự thảo là gây khó dễ cho báo chí. Nếu phải xin Chánh án, rồi phải được chấp nhận bằng văn bản là điều không khả thi, vì Chánh án bận trăm công ngàn việc, thời gian đâu để trả lời văn bản của cơ quan báo chí.
Còn với chủ tọa phiên tòa, nếu quy định như vậy, thì chẳng chủ tọa phiên tòa nào thích cho báo chí dự tòa cả. Vì báo chí đến là giám sát cả lời ăn, tiếng nói và từng cử chỉ của họ. Họ không thạo luật, xử án không công tâm hoặc làm thiên lệch cán cân công lý là báo chí lên tiếng ngay.
Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước. Với cơ quan tư pháp, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp, mà hoạt động Tòa án đóng vai trò trung tâm quyết định sự thành bại của chủ trương cải cách này. Tôi nghĩ rằng, Tòa án không nên đặt ra những quy định khắt khe với báo chí nhằm đưa hoạt động xét xử vào "bí mật". Như vậy chỉ có hại cho tiến trình cải cách tư pháp, kéo lùi việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nỗ lực thực hiện lâu nay.
Theo tôi, chỉ nên quy định với những phiên tòa xét xử công khai thì trước khi mở phiên tòa, phóng viên có mặt phải trình giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo cho chủ tọa phiên tòa để được tác nghiệp. Đồng thời để tránh lộn xộn, phá vỡ sự tôn nghiêm thì Tòa án nên có quy định thời điểm tác nghiệp và khu vực các phóng viên được tác nghiệp, tránh tình trạng phóng viên đi lại lộn xộn làm ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa. Và như vậy, chỉ nên quy định trong nội quy phiên tòa, không cần thiết phải quy định trong dự thảo Pháp lệnh nêu trên.
Theo Vân Anh (Pháp luật Việt Nam)