Cán bộ vắng nhiệm sở bị đình chỉ công tác: Lộ nhiều lỗ hổng

Cán bộ vắng nhiệm sở bị đình chỉ công tác: Lộ nhiều lỗ hổng

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 4, 23/11/2016 11:56

Thành viên HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vũ Đình Duy vắng mặt tại nhiệm sở 21 ngày, bộ Công Thương mới ra quyết định đình chỉ công tác...

Đình chỉ công tác sau 21 ngày vắng mặt

Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, báo cáo của tổ công tác của bộ Công Thương, ông Vũ Đình Duy, thành viên HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10 đến nay. Được biết, ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.

Ông Vũ Đình Duy đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý việc đi nước ngoài. Để xem xét và xử lý các vi phạm của ông Duy, bộ Công Thương đã thành lập hội đồng kỷ luật người quản lý doanh nghiệp để tư vấn cho lãnh đạo bộ Công Thương việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông này. Điều đáng nói, ngày 15/11, bộ Công Thương mới ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Duy sau 21 ngày vắng mặt tại nhiệm sở.

Hồ sơ điều tra - Cán bộ vắng nhiệm sở bị đình chỉ công tác: Lộ nhiều lỗ hổng

 Vũ Đình Duy trong ngày được bổ nhiệm thành viên HĐTV (Ảnh TL)

Theo 1 lãnh đạo bộ Công Thương, ông Duy hiện đang là thành viên HDTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), tự ý đi ra nước ngoài với lý do để chữa bệnh là "trái với quy định của cơ quan".

Việc ông Duy ra nước ngoài không được sự đồng ý của lãnh đạo vẫn chưa có lời đáp thì những lùm xùm ở công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) trong việc xây dựng, làm ăn thua lỗ tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ thời ông Duy làm Tổng giám đốc  (7/2009 đến tháng 2/2014) bị hé lộ khiến Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị bộ Công an vào cuộc điều tra.

PVTex chính thức hoạt động từ năm 2008 và cũng trong năm đó, hội đồng quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng (tính theo tỷ giá tại thời điểm đó). Tuy nhiên sau khi bàn giao và đi vào sản xuất từ tháng 8/2013, dự án này liên tục thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Lỗ hổng trong quản lý cán bộ

Không phải đến bây giờ khi có trường hợp thứ hai ra nước ngoài không được phép của cơ quan thì dư luận mới “dậy sóng”. Lúc này, nhiều người nhận thấy có 1 lỗ hổng lớn trong việc quản lý cán bộ nói chung và ở bộ Công Thương nói riêng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Đến thời điểm này bộ Công Thương mới tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy là chậm. Thực tế, ông Duy xuất cảnh cách đây gần 1 tháng rồi. Ngay khi phát hiện ông Duy đi nước ngoài mà không báo cáo tổ chức là đã phải có quyết định đình chỉ.

Việc ông Vũ Đình Duy đi nước ngoài mà không xin phép là vi phạm nguyên tắc quản lý cán bộ công chức hành chính. Theo đó, cán bộ công chức khi đi nước ngoài phải có sự xin phép, báo cáo với tổ chức Đảng. Việc ông Duy đi mà không có sự cho phép của cơ quan, không báo cáo tổ chức Đảng rõ ràng có chỗ hổng trong thiết chế quản lý. Đây cũng là sai phạm của bộ Công Thương trong vấn đề quy hoạch bổ nhiệm cán bộ như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh”.

Hồ sơ điều tra - Cán bộ vắng nhiệm sở bị đình chỉ công tác: Lộ nhiều lỗ hổng (Hình 2).

 Ông Vũ Đình Duy và những dự án thua lỗ ngàn tỉ đồn (Ảnh TL).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá, là công chức, đảng viên, nhưng ý thức ông Duy rất kém, có dấu hiệu khiến dư luận xã hội cho rằng ông Duy đã trốn khỏi Việt Nam để chạy tội. Trong vụ việc này, tập đoàn Hóa chất phải có trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ. Trong khi, cán bộ có những dấu hiệu rất rõ tham nhũng thì tập đoàn này phải thường xuyên báo cáo và yêu cầu cơ quan chức năng có giải pháp quản lý để không cho ông Duy trốn ra nước ngoài.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho rằng, vụ ông Vũ Đình Duy “mất tích” xuất phát từ hai phía, một là ý thức chấp hành kỷ luật của ông Duy kém, và hai là do quy định lỏng lẻo về quản lý công chức, viên chức. Để không tái diễn những trường hợp như trên cần sửa luật và bổ sung quy định đối với những cá nhân có “dấu hiệu nghi vấn” vi phạm pháp luật thì phải đưa ngay vào diện hạn chế xuất cảnh, hạn chế đi lại”.

Đại biểu Cầu phân tích: “Ông Duy là viên chức của một cơ quan có tổ chức thì việc đi đâu nhất định phải được sự chấp thuận của tổ chức đó. Trong khi ông Duy không xin phép mà vẫn đi là vô kỷ luật, không thể chấp nhận được. Đi nước ngoài chữa bệnh là quyền tự do đi lại của công dân nhưng trong trường hợp này, ông Duy xin đi nước ngoài chữa bệnh chỉ là cái cớ. Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, khi kiểm tra có dấu hiệu vi phạm cần phân biệt làm 2 loại. Thứ nhất, vi phạm về hành chính, công chức thì xử lý theo hành chính, công chức.

Còn có dấu hiệu của tội phạm thì mới chuyển cho cơ quan điều tra, kiến nghị khởi tố và để khởi tố được ít nhất phải mất 20 ngày, nếu chậm phải đến 2 tháng, bây giờ luật mới còn cho phép gia hạn thời gian nói trên. Bởi vậy, khi muốn cấm xuất cảnh, hay cấm một người nào đó như trường hợp ông Duy thì phải có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan có thẩm quyền. Còn khi cơ quan điều tra chưa có ý kiến gì thì việc đi lại vẫn là quyền tự do của công dân theo luật Cư trú”.

Luật sư Đoàn Hồng Hà (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc bỏ nhiệm sở của ông Duy đã vi phạm vào luật công chức, vi phạm luật lao động và nội quy của doanh nghiệp. “Anh này xin phép nghỉ nhưng không được mà anh vẫn nghỉ thể hiện thái độ coi thường quyết định của cấp trên. Chế tài đã có, theo tôi, vụ việc này cần phải được lãnh đạo bộ Công Thương xử lý nghiêm”, luật sư Hồng Hà nói.

Sơn Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.