Như báo Người Đưa Tin đã thông tin về vụ việc, gần chục năm qua, nhiều thân nhân của các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong các cuộc kháng chiến cứu quốc tại nhiều thôn ở xã Nam Sơn (Bắc Ninh) đã không hề biết và không được hưởng bất cứ một chế độ đãi ngộ nào từ Nhà nước.
Đương nhiên, không phải do Nhà nước không có chế độ quan tâm, đãi ngộ với những người dân ở xã mà tất cả sự việc đều “khúc mắc” ở phía trung gian – tức người chịu trách nhiệm truyền đạt và thực hiện những chính sách của Nhà nước với dân.
Trong tất cả những giấy tờ mà cán bộ xã báo cáo lên cấp trên đều có xác nhận và chữ kí của người dân là đã nhận tiền (sự hỗ trợ vật chất của Nhà nước). Nhưng sự việc vô cùng “rối rắm” và lạ kì khi người dân đều “phản đối” những giấy tờ đó. Họ khẳng định họ không hề “nhận được một đồng nào”.
Cho đến khi báo chí vào cuộc, mọi chuyện đã có chút sáng tỏ thì ông Nguyễn Thế Khu – người phụ trách công tác đền ơn đáp nghĩa tại xã Nam Sơn mới đến “gõ cửa từng nhà” để xin lỗi, xin chữ kí và “khắc phục hậu quả không triệt để” bằng cách cho người dân được truy lĩnh số tiền bằng 1/3 hoặc 2/3 số tiền mà họ đáng ra đã được nhận – việc mà từ trước đến nay chỉ khi nào người dân phải to tiếng, phải đe dọa trình bày lên cấp trên ông mới chịu thực hiện.
Nhưng đúng là trong cái rủi lại có cái may, giải thích cho việc làm “khó hiểu” của ông Nguyễn Thế Khu, chủ tịch UBND xã Nam Sơn – ông Nguyễn Văn Hanh cho biết: Ông Nguyễn Thế Khu là cán bộ phụ trách đi lên từ đội sản xuất nông nghiệp, trình độ còn hạn chế.
May mắn sao, trình độ của cán bộ còn hạn chế chứ với với “lòng dạ” như thế cộng với một đầu óc siêu việt thì không biết thân nhân của những anh hùng, liệt sĩ xã Nam Sơn còn thiệt thòi đến mức độ nào.
Câu chuyện về những cán bộ xã ăn chặn tiền, ăn chặn bò, gà, dê… của dân nghèo cũng không còn là vấn đề cá biệt nữa mà ngược lại, nó là “chuyện quá bình thường ở huyện”. Và đương nhiên, khi câu chuyện “ăn chặn” vỡ lở thì những cán bộ đó chỉ có thể bao biện bằng lí lẽ “cầm hộ”, “nuôi hộ” hay thẳng thắn lắm thì “hộ nghèo có hỗ trợ mãi cũng thế thôi”. Chẳng ai dám đứng ra để nhận trách nhiệm, để vỗ ngực rồi dõng dạc nói “tôi ăn chặn của dân” cả!
Nhưng dù sự ăn chặn đó có được mặc chiếc áo gì đi chăng nữa thì có lẽ những cán bộ xã – những nhà thiết kế cho vị khách mang tên “ăn chặn” đang phải run như dẽ khi Bộ trưởng LĐ – TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ cho kiểm tra thông tin báo Người Đưa Tin nêu và sẽ kiên quyết xử lí việc biển thủ tiền điều dưỡng của thân nhân liệt sĩ.
Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. So với nhiều vụ biển thủ khác thì cán bộ phụ trách tại xã Nam Sơn cũng đã tự biết khuyết điểm của mình, gõ cửa từng nhà xin lỗi và khắc phục và hoàn trả lại (một phần) tiền.
Hành động đó của ông Khu vừa khiến cho người dân bớt bức xúc vừa giúp cơ quan chức năng dễ dàng phân định được đúng – sai trong sự việc này. Bởi chỉ những kẻ có tật thì mới giật mình.
Thôi thì cũng mong ông Khu chỉ “cầm hộ” tiền của thân nhân liệt sĩ và chưa kịp trả chứ không phải… ăn chặn. Có như thế thì người dân mới giữ được lòng tin vào những vị cán bộ xã và có như thế thì ông Khu mới tránh được sự xử lí cứng rắn từ Bộ.
Nhưng ông Khu ơi, nếu cầm hộ thì phải trả lại cho người ta toàn bộ số tiền đó trước đã. Ông chỉ bỏ sót một đồng của người dân thôi thì cũng ông cũng mang tội ăn chặn rồi.
Miếng ăn là miếng nhục, nhưng “ăn” cả sự hi sinh của người khác, ăn cả xương máu của những người đã nằm xuống thì không biết miếng ăn đó là miếng gì?
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả