Liên quan đến vụ việc: Cán bộ địa chính xã "bí mật" khai thác rừng trái phép, ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Khánh (chủ rừng) dừng ngay việc chặt cây.
Trao đổi về việc này, ông Khánh xác nhận, gia đình có tỉa cành và chặt một số cây thông to đã bị chết cháy, khi đang chờ sự đồng ý của hạt Kiểm lâm và UBND huyện Thanh Chương.
“Chúng tôi cũng mới bắt đầu làm 2 – 3 ngày nay, khoảng vài xe thôi. Tôi cứ nghĩ, khi đưa đơn lên sẽ được xác nhận ngay nên mới làm. Diện tích rừng bị chặt cũng chỉ 0,5ha, lại toàn ở trên đỉnh", ông Khánh phân bua.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra bằng chứng là những hình ảnh về các gốc cây to với những dấu vết còn mới, ông Khánh mới thừa nhận tiếp, ngoài những cây to bị cháy, “có thể” thợ đã chặt nhầm vài cây to khác (?!).
“Năm 2002, tôi nhận khu rừng này để quản lý và khai thác. Hiện, tôi đã có sổ đỏ công nhận quyền sở hữu. Vào thời điểm đó, số lượng cây thông lớn còn lại rất ít, sau đó liên tiếp xảy ra các vụ cháy đã khiến thông bị chết và không còn cho nhựa nữa. Do quá trình làm, có thể thợ không biết nên chặt nhầm”, ông Khánh giải thích.
Ông Thái Văn An cho biết thêm, có thể do nghĩ gỗ trong rừng nhà nên ông Khánh mới cho chặt, tuy nhiên việc này là sai, vì vậy xã đã yêu cầu dừng ngay việc khai thác, chờ ý kiến của cấp trên và hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương.
Trực tiếp đưa vấn đề này lên gặp ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông này cho hay, huyện vẫn chưa nhận được tờ trình khai thác nào từ xã Ngọc Sơn gửi lên (?!).
“Xã gửi lên hay chưa thì tôi không biết, nhưng đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất cứ tờ trình khai thác rừng nào. Nếu thực sự người dân đang tiến hành chặt cây thì phải lập tức yêu cầu dừng ngay để kiểm tra, làm rõ sự việc”, ông Thanh nói.
Trao đổi về quy trình được phép khai thác rừng, ông Phan Văn Hoàng, Hạt phó hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương cho hay: Khi có nhu cầu, người dân phải viết đơn nêu rõ mục đích, lập bảng chủng loại gỗ, khối lượng… rồi gửi cho chính quyền xã, có sự xác nhận của cán bộ kiểm lâm khu vực. Sau đó, UBND xã chứng nhận rồi tiếp tục gửi lên UBND huyện. Lúc này, UBND huyện sẽ chỉ đạo hạt Kiểm lâm kiểm tra lần nữa xem nên khai thác bao nhiêu, khai thác như thế nào để hướng dẫn cho hộ gia đình.
“Rừng đã giao thì hộ gia đình có quyền sử dụng, tuy nhiên muốn khai thác đều phải làm đơn để UBND xã, huyện thẩm định. Trong các trường hợp tỉa thưa, tận dụng gỗ, lâm sản đều phải thực hiện theo quy trình. Trường hợp khai thác trắng, cần triển khai trồng lại rừng ngay”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khánh làm sai ở chỗ, mặc dù đã làm đơn rồi nhưng chưa được sự kiểm tra của chính quyền huyện và kiểm lâm đã tự ý khai thác.
“Nhận được thông tin, tôi đã chỉ đạo chính quyền xã yêu cầu dừng ngay việc khai thác. Đồng thời, tôi cũng đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực trạng, xác minh nguồn gốc số cây thông trên do ai trồng và trồng khi nào để có hướng giải quyết. Tôi cũng đã báo cáo nhanh về sự việc cho UBND huyện và sẽ có báo cáo cụ thể vào đầu tuần sau”, ông Hoàng khẳng định.
Trước đó, theo phản ánh của người dân xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tại khu vực rừng thuộc sự quản lý của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh (cán bộ địa chính xã) đang tiến hành khai thác rừng trái phép. Trao đổi với PV, ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, chủ nhân của khu rừng đã có tờ trình đề nghị được "tỉa cành" trong khu vực rừng này. Tuy nhiên, trong lúc chờ ý kiến của UBND và đơn vị quản lý là hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương, ông Khánh đã tự ý cho thợ tiến hành chặt cây. Qua quan sát, cả khoảng rừng thông rộng hàng trăm m2 vừa mới bị đốn hạ, nhựa còn dính tay, trong đó có rất nhiều gốc to, đường kính 30 – 40cm. |
Anh Ngọc
Xem thêm video: