Sáng 10/8, ông Rơ Châm Hyat, có mặt rất sớm tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Chư Păh, chuẩn bị bước vào môn Lịch sử. Người đàn ông tóc bạc trắng là thí sinh lớn tuổi nhất ở điểm thi này.
Ở tuổi 54 và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền xã Ia Ka (huyện Chư Păh, Gia Lai), ông Rơ Châm Hyat vẫn miệt mài ngày đêm đèn sách, chờ đợi đến ngày thi tốt nghiệp.
“Ngày trước, cuộc sống còn khó khăn nên đa phần cán bộ xã hồi đó đều chỉ học hệ bổ túc 9+3 nên không ai có bằng tốt nghiệp phổ thông.
Khi được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hai xã Ia Ka và Ia Nhin, tôi lại bận rộn với công việc nên không có thời gian dành cho việc học.
Từ ngày thôi các chức vụ trọng yếu, quay về làm Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã thì năm 2017, tôi mới có thời gian để bắt đầu đi học hệ trung học phổ thông”, ông Rơ Châm Hyat chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam.
Cũng theo ông Hyat, do có tuổi rồi nên việc học, tiếp thu kiến thức không còn được như đám trẻ. Để chuẩn bị cho ngày thi, suốt nhiều tháng nay, ông phải dậy sớm từ 3-4h sáng để ôn bài. Những bài nào chưa hiểu, ông lại nhờ cô con gái (SN 1998) chỉ bày thêm.
Có một điều trùng hợp là con gái của ông Hyat cũng dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai
“Nhiều người bảo tôi đã già rồi, còn học làm gì nữa. Nhưng tôi nghĩ, việc học là bổ ích và cần thiết cho mọi lứa tuổi.
Khi đi học thì mình sẽ có thêm nhiều kiến thức phục vụ cho công việc. Và nhất là làm gương cho đồng bào, người dân và con cháu trong gia đình”, ông Hyat nói.
Với suy nghĩ đó, ông Hyat đã cất công đến từng nhà, vận động hơn 10 cán bộ, công chức trong xã đi học lớp bổ túc văn hóa nhằm chuẩn hóa bằng cấp.
Theo VNExpress, tại điểm thi Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi cũng có sự tham gia của ông Rơ Châm H’Din (48 tuổi) Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc xã Ia Kreng (huyện Chư Păh).
Ông H'Din công tác tại một xã khó khăn, cách trung tâm huyện gần 70 km. Thiếu bằng cấp nên ông đăng ký học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện Chư Păh.
Trước đó, Tỉnh ủy - UBND Gia Lai quy định, đến thời gian tái bổ nhiệm các ứng cử viên phải đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, trong đó có cả bằng tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tỉnh có nhiều cán bộ, công chức đang làm lãnh đạo tại các xã. Riêng huyện Chư Păh có hơn 70 thí sinh. Họ vừa đảm nhiệm công việc chính tại xã và theo học các lớp bổ túc nên gặp nhiều khó khăn trong việc nắm kiến thức, ôn tập. Một số người từng dự thi 2- 3 lần trước nhưng không đậu.
Gia Lai năm nay có hơn 13.300 thí sinh, với 37 điểm thi; hơn 2.600 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi.
Bá Di (T/h)