Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Tránh trường hợp cán bộ nhìn thấy lợi trước mắt mà nghỉ
Thảo luận tại tổ 16, ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề cập đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương.
Đề cập đến việc thực hiện Nghị định 177 và Nghị định 178 của Chính phủ, ông Dũng cho biết vừa qua địa phương đã vận động được Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng 7 Uỷ viên Ban Thường vụ và Uỷ viên Ban Chấp hành nghỉ hưu trước tuổi.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết các đồng chí nêu trên có rất nhiều băn khoăn khi triển khai theo Nghị định 177 và 178.
"Tất cả cán bộ nghỉ đều chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng việc cán bộ thuộc các đơn vị diện hợp nhất như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận nghỉ thì được một số tiền lớn, còn nếu Ban Nội chính, Ban Tổ chức nghỉ lại không, các sở ngành khác cũng như vậy", ông Dũng nói.
![Cán bộ xin nghỉ trước tuổi là vì trách nhiệm chứ không phải vì đồng tiền - Ảnh 1. Cán bộ xin nghỉ trước tuổi là vì trách nhiệm chứ không phải vì đồng tiền - Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/13/hoang-trung-dung-1739428072986979765570.jpg)
Ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo Bí thư Hà Tĩnh, phải có cách xử lý vấn đề để tạo sự đồng thuận ở cơ sở và cũng để vận động được nhiều cán bộ nằm trong diện nghỉ hưu trước tuổi và cần có chính sách tính toán phù hợp.
Dẫn trường hợp có 2 cán bộ cùng tuổi, cùng xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng một người được hưởng chính sách khá lớn, một người lại không được bao nhiêu, ông Dũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đề xuất Bộ Chính trị cho phép các địa phương được trích ngân sách của địa phương để bù vào, cho những người hưởng theo Nghị định 177 bằng với những người hưởng theo Nghị định 178.
"Chính sách của Trung ương rất hiệu quả, nhưng nếu có điều chỉnh thêm vấn đề này thì chắc chắn sẽ tinh giản được", ông Dũng nói thêm.
Bên cạnh việc tinh giản, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ sự quan tâm tới chính sách làm sao giữ người tài ở lại, tránh trường hợp có thể "nhìn thấy lợi trước mắt mà nghỉ".
"Mong Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Ban Bí thư để có điều chỉnh cho phù hợp", ông Hoàng Trung Dũng nêu.
Một vấn đề khác được ông Dũng kiến nghị liên quan quá trình sắp xếp cán bộ dôi dư. Ông đề xuất mong muốn có thể tăng thêm cấp phó chủ tịch, phó bí thư cho cấp huyện.
"Hiện nay, ví dụ 2 sở sáp nhập lại có 7 - 8 phó giám đốc, đều rất có năng lực, rất trẻ tuổi, nếu ở lại trong 5 năm phải điều chỉnh lại theo đúng số lượng. Giả sử số này được đưa về các huyện, số này sẽ phát huy được. Hơn nữa ở cấp cơ sở công việc rất nhiều", ông Dũng nói thêm.
Với việc sáp nhập các cơ quan chức năng, ông Dũng đề xuất Trung ương nên thống nhất chỉ đạo, đó là các địa phương chỉ nên thực hiện sắp xếp với các sở, ban, ngành mà Trung ương có gợi ý, tránh trường hợp địa phương tự làm mà không tính toán kỹ, có thể để lại hệ lụy về sau.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề cập đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương (Video: Media Quốc hội).
Nhấn mạnh cuộc cách mạng sẽ phải giảm người này người khác, nhưng vì tương lai của đất nước, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh không còn cách nào khác là phải làm. Ông cũng nhấn mạnh đến cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp, ví dụ ở Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan báo chí địa phương tuyệt đối không được đưa ra số tiền bao nhiêu nếu cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
"Có những người nghỉ vì trách nhiệm với bộ máy, vì xu hướng chung chứ không phải vì nhìn thấy đồng tiền mà họ nghỉ. Nếu cứ đưa tin nghỉ được bao nhiêu tiền thì một số nhìn vào lại hiểu thành nghỉ để được hưởng cái gì", ông Dũng phát biểu.
Có cơ chế phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ
Cũng góp ý tại tổ, ông Lê Minh Hưng - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói rằng, Nghị quyết 18 được đề ra từ năm 2017, toàn bộ các mục tiêu, nội dung, lộ trình rất rõ nhưng thực tiễn thực hiện chưa đạt.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn 2 tháng vừa qua, việc triển khai Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên nền tảng tiếp nối, kế thừa những kết quả trước đó.
"Chúng ta đã thực hiện với những cách làm rất mới, phương pháp triển khai được sự thống nhất rất cao từ Trung ương đến địa phương nên đạt được kết quả như hiện nay. Từ những bước đi như vậy đã khẳng định quyết định của Trung ương là rất chính xác, rất đúng và dựa trên những căn cứ khoa học, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn rất đầy đủ", ông Hưng nói.
![Cán bộ xin nghỉ trước tuổi là vì trách nhiệm chứ không phải vì đồng tiền - Ảnh 2. Cán bộ xin nghỉ trước tuổi là vì trách nhiệm chứ không phải vì đồng tiền - Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/13/le-minh-hung-17394279480111903183628.jpg)
Ông Lê Minh Hưng - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Hưng, bối cảnh, thời gian triển khai vừa qua, yêu cầu đặt ra rất cao nên Trung ương cũng đã xác định cần đối diện, xem xét và tiếp tục phối hợp xử lý những khó khăn. Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần này là để tiếp tục triển khai các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo kết luận của Trung ương.
"Sau khi thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị, chúng ta phải ban hành đầy đủ các văn bản, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện, để bộ máy mới đi vào hoạt động, bảo đảm tính liên tục, hiệu quả hơn, chất lượng hơn và không gián đoạn công việc", ông nói.
Ông Hưng cũng chia sẻ, bên cạnh việc xử lý các vấn đề phát sinh, các địa phương cần lưu ý việc tinh giản và việc làm tốt công tác chính trị tư tưởng, vận động, thuyết phục phải đi kèm với việc có cơ chế chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ, có cống hiến cho sự nghiệp chung. "Những yêu cầu này là cao như nhau", ông nói.
Về đề xuất bố trí tăng số lượng lãnh đạo ở cấp huyện, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trước hết phải thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, trong đó có quy định về số lượng cấp ủy, ban thường vụ các cấp.
Sau khi tiến hành tinh gọn, các bước đi sắp xếp bộ máy, Bộ Chính trị đã sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35 và đã lấy ý kiến tất cả các cấp ủy trực thuộc Trung ương, chuẩn bị một bước cho Đại hội Đảng các cấp nên đã có sửa đổi, bổ sung phù hợp và phải thực hiện nghiêm.
Cùng với việc đó, Kết luận 121 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nghiên cứu tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của địa phương.
"Hội nghị Trung ương vừa qua không chỉ thông qua cơ cấu tổ chức bộ máy mới mà còn đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất cao. Do đó, về số lượng, hướng dẫn mô hình chung của một số cơ quan không phải đến thời điểm này là xong, việc triển khai Nghị quyết 18 mới đang là bước đầu, còn một số nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2025 và trong nhiệm kỳ tới", ông Hưng nêu rõ.