> Hành trình giành giật sự sống của người bị cắt hai quả thận
Liên quan đến vấn đề này, ông Hinh cho rằng: “Về sự cố xảy ra đối với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, theo tôi, đó là điều rủi ro không ai mong muốn. Bản thân tôi không phải trong hội đồng giám định nên khó có thể nói hết được một cách chính xác và chặt chẽ. Mặt khác, trong y học, có nhiều yếu tố mà người thầy thuốc cũng không thể tiên lượng hết được. Hơn nữa, đây là một dị tật bẩm sinh không hay gặp, có bác sĩ cả đời mới gặp một lần”.
PGS-TS. Trần Văn Hinh - Phó chủ tịch Hội Tiết niệu Việt Nam.
Trường hợp chị Hứa Cẩm Tú, theo tôi biết nếu có chụp CT thường trước mổ cũng không phát hiện ra. Chị Tú đã siêu âm ở nhiều nơi, trước khi vào bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, cũng không phát hiện ra bệnh nhân bị thận móng ngựa. Tuy nhiên, kíp mổ cần phải rút kinh nghiệm, đây là trường hợp cảnh báo cho các bác sĩ lâm sàng, nếu thấy nghi ngờ, bác sĩ nên xem xét đưa ra chỉ định đúng tới người bệnh, đồng thời đưa các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tiên tiến như: Chụp CT đa dãy, chụp cộng hưởng từ vào chẩn đoán trước mổ, để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Còn để nói về mặt bồi thường cho thỏa đáng, tôi cho là rất khó. Nhưng khi xảy ra sự việc, chúng ta phải lấy tính mạng người bệnh làm trọng: Bệnh nhân đã được hưởng những thành tựu tiên tiến nhất của y học ngang tầm quốc tế, đó là ghép thận, diễn biến tạm ổn định. Bây giờ, chúng ta nên nói những lời cảm ơn, đặc biệt là dành cho người đã hiến thận cho chị Tú. Việc bồi thường do hai bên tự thỏa thuận, tránh khiếu kiện tạo tiền lệ xấu sau này.
Bệnh viện đa khoa Cần Thơ phải có trách nhiệm đến cùng Trao đổi về trường hợp của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, nhiều luật sư cho rằng, khi bệnh nhân chưa hồi phục được khả năng lao động, bệnh viện Cần Thơ vẫn phải tiếp tục hỗ trợ và bồi thường cho bệnh nhân, nếu không, chị Tú có quyền khởi kiện ra tòa án. Đánh giá về vụ việc các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ để xảy ra việc cắt nhầm hai quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là việc làm thiếu trách nhiệm của kíp mổ. Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa bệnh viện với bệnh nhân Hứa Cầm Tú, luật sư Triệu Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: "Đây là sự việc có hậu quả nghiêm trọng. Việc bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước nhưng trong quá trình mổ, bệnh nhân lại bị cắt mất hai quả thận thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Để khắc phục hậu quả, bệnh viện đã ghép lại thận thành công cho chị Cẩm Tú và viện trợ tiền thuốc điều trị sau này. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Tú đã ổn định, song khả năng lao động vẫn chưa hoàn toàn được phục hồi. Do vậy, bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ vẫn chưa thể hết trách nhiệm với bệnh nhân được”. Cũng theo luật sư Dũng, bệnh viện phải chịu mọi phí tổn về điều trị, bồi thường sức khỏe và hỗ trợ phụ cấp cho bệnh nhân, trong sinh hoạt cho đến ngày bệnh nhân hoàn toàn bình phục và có sức lao động trở lại. Khi bệnh viện đột ngột ngưng trợ cấp đối với chị Tú thì chị Tú có thể thương lượng lại với bệnh viện để đòi quyền lợi cho mình. Nếu bệnh viện không chịu giải quyết thì chị Tú có quyền khởi kiện ra tòa án để được giải quyết. Cùng quan điểm với luật sư Dũng, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh: "Dù bệnh nhân có bất cứ biến chứng như thế nào thì phía bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm đến cùng". Trong khi đó, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Việc dân sự cốt ở hai bên, gia đình chị Tú có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Nghị quyết 03/HĐTP, ngày 8/7/2006, hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và theo quy định tại Điều 609 BLDS". |
Lương Liễu (ghi)